
Chất lượng ngoại binh đến thời điểm này là cơn đau đầu của nhiều đội bóng ở V.League. Thời gian qua, nhiều CLB thậm chí không dám sử dụng cầu thủ ngoại dù trên lý thuyết, họ được đánh giá cao hơn nội binh. Tất nhiên, bên cạnh đó tiền và những chi phí bỏ ra cho các cầu thủ ngoại cũng nhiều hơn so với cầu thủ nội.
Đơn cử như ở Thanh Hóa, tiền đạo Gassissou gần như phải mài đũng quần trên ghế dự bị do không cạnh tranh nổi vị trí. Đồng đội của anh là tiền vệ Balic khá hơn chút, nhưng cũng chỉ được xem là phương án dự phòng trong cách xây dựng chiến thuật của HLV Nguyễn Thành Công. Thực tế, dù nhận được nhiều kỳ vọng, song đóng góp của bộ đôi ngoại binh này ở xứ Thanh chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Thế nên, việc họ phải thường xuyên ngồi ngoài, không được thi đấu dù đội nhà đối diện rất nhiều khó khăn cũng là không bất ngờ.
Ở SLNA, Alagie Sosseh cũng rơi vào cảnh tương tự. Trong những trận đấu gần đây của đội bóng xứ Nghệ, chân sút có mái tóc “đuôi gà” thường xuyên phải ngồi trên ghế dự bị. Vị trí của anh được nhường lại cho tiền đạo Hồ Tuấn Tài.
Việc chấp nhận chơi “chấp Tây” cũng là điều cực chẳng đã với Thanh Hóa và SLNA thời điểm hiện tại. Trước đó, họ đã trao rất nhiều cơ hội cho các cầu thủ ngoại, nhưng do không đáp ứng được kỳ vọng nên không thể kiên nhẫn thêm.
Ngoài chuyên môn kém, các đội bóng cũng đau đầu khi các ngoại binh dính chấn thương, không thể thi đấu thời gian qua. Đó là trường hợp của Dakate (SHB.ĐN), Luiz (Viettel). Tuy nhiên, đó vẫn còn là may mắn hơn so với trung vệ Lucas (Quảng Nam FC) gặp chấn thương nặng ở đầu gối, sớm chia tay mùa giải chỉ sau vài vòng đấu. Tương tự, chân sút kỳ cựu Omar (Hà Nội) cũng được chẩn đoán đa chấn thương, chắc chắn sẽ chia tay luôn mùa giải năm nay.
Gặp khó về nhân sự, nhưng việc tìm kiếm ngoại binh mới là câu hỏi hóc búa với các đội bóng hiện tại. Lý do, Covid-19 vẫn hoành hành nên các nước vẫn đóng cửa biên giới. Các chuyến bay đến Việt Nam cũng chỉ trên phương diện đón công dân Việt Nam về nước để tránh dịch. Vì thế, nguồn cầu thủ từ nước ngoài đến là không có nên không thể thử việc. Thế nên, lúc này nhiều đội bóng rơi vào cảnh bế tắc trong việc tuyển chọn, bổ sung ngoại binh.
Quảng Nam FC đang tính chuyện lấy lại tiền đạo cũ Rodrigo dù chân sút này bị loại lúc thị trường chuyển nhượng đóng cửa ở giai đoạn 1, để thay thế trung vệ Lucas với phương châm “lấy công bù thủ”, dù hàng thủ của họ cũng đang bết bát.
Nhiều khả năng, các đội bóng sẽ không có sự thay đổi, bổ sung ngoại binh dù thị trường chuyển nhượng sắp mở cửa. Thậm chí, Thanh Hóa dù đang đối diện nhiều khó khăn về lực lượng cũng tính phương án thanh lý bớt ngoại binh kém chất lượng để đỡ tốn chi phí mà khả năng sử dụng hạn chế. Trong bối cảnh “người khôn, kẻ khó”, nếu muốn tăng cường nhân sự, các đội chỉ có thể lấy “hàng thải” hoặc trao đổi quân cho nhau.
Thị trường chuyển nhượng mở cửa ngày 21/7 Thị trường chuyển nhượng giữa mùa V.League 2020 sẽ chính thức mở cửa từ ngày 21/7 đến ngày 17/8. Các đội sẽ có gần 1 tháng để tuyển quân, thay thế và bổ sung nhân sự cho giai đoạn 2. |
XEM THÊM
Cảnh sát hình sự tham gia bảo vệ trận Hà Nội gặp Hải Phòng
Bình Luận