Chuyện tấm vé đến thiên đường ở V.League

Hôm qua, một người bạn của tôi từ TP.HCM nhắn ra vừa để than phiền, vừa để cầu cứu vì đứng dưới mưa cả tiếng đồng hồ mà… không mua được vé xem V.League. Anh bạn ấy toan xuống tiền mua vé chợ đen với mức giá cao hơn hàng chục lần mệnh giá chính thức vì sợ để lâu hết vé.
Chuyện tấm vé đến thiên đường ở V.League
Lâu lắm rồi người ta mới thấy một tấm vé đến sân xem V.League giá trị và ý nghĩa đến như vậy. Việc xuất hiện thị trường “chợ đen” vốn không có gì lạ, bởi đó là chuyện thường ngày ở Lạch Tray, Hàng Đẫy, Thiên Trường vốn có lượng khán giả đến sân đông đảo và dành phục vụ những người thích chỗ ngồi đẹp. Nhưng, việc một đôi vé V.League có giá đến bạc triệu thì quả là xưa nay hiếm. Cung ít, cầu nhiều, tự thị trường sẽ điều chỉnh giá cả. Nhưng, bên cạnh sự phiền toái vì NHM phải bỏ thêm tiền thì sự xuất hiện của thị trường “chợ đen” phản ánh một điều, bóng đá Việt có giá và nếu biết nâng niu, thúc đẩy vị thế của V.League, các đội bóng sẽ có nguồn thu lớn.

Hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, những người làm bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi được đến đích. Chúng ta đã xác lập được những mối quan hệ mới, cơ chế mới và tư duy mới, nhưng cái đích quan trọng nhất là bóng đá phải sống được từ các hoạt động của mình thì đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngay cả đội bóng có nhiều điều kiện kiếm tiền nhất hiện nay là Hà Nội FC và HAGL vẫn sống chủ yếu vào bầu sữa của các ông bầu. Và nếu tiếp tục lãng phí nguồn tài nguyên vàng và những thời cơ ngàn năm có một, chính các đội bóng sẽ không thể tiến vào kỷ nguyên chuyên nghiệp.

Chiếc vé xem bóng đá đang được ví là tấm giấy thông hành đến thiên đường. Ở đó, người ta được chứng kiến trận thư hùng của mùa giải. Ở đó, người ta chứng kiến cuộc đối đầu ở cấp độ tổng lực. Thành bại của TP.HCM hay Hà Nội FC được quyết định ở trận chung kết trong mơ. Nhưng, ở cấp độ quản lý, từ sự có giá của những tấm vé đến thiên đường là những thời cơ, những câu hỏi về việc biến thời cơ thành chân giá trị cho V.League, cho bóng đá Việt Nam.
    Bình Luận