CLB TP. HCM và Hà Nội: Hai thế giới riêng biệt

Họ giàu tham vọng ở V.League nhưng TP. HCM và Hà Nội đang là hai CLB ở hai thế giới riêng biệt.

Là hai đội bóng đến từ hai thành phố lớn nhất, nhì cả nước, CLB TP. HCM và Hà Nội là niềm tự hào của người dân địa phương. Và cả hai đã chọn những cách khác nhau để chinh phục khán giả quê nhà. Đặt giả thiết, nếu các SVĐ trên toàn quốc đều được mở cửa tự do đón khán giả vào sân, Thống Nhất hay Hàng Đẫy sẽ chào đón một lượng khán giả không thua kém bất cứ nơi đâu trên cả nước; kể cả Thiên Trường hay Pleiku.

Theo thống kê, ở V.League 2019, thời điểm bóng đá không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sân Hàng Đẫy và Thống Nhất nằm trong Top 3 các SVĐ náo nhiệt nhất. Cụ thể, Hàng Đẫy đón trung bình gần 8.100 người/trận, đứng thứ hai cùng sân Pleiku (sau sân Thiên Trường với 15.150 người/trận). 

Trong khi đó, các trận đấu của CLB TP. HCM trên sân nhà cũng chào đón số lượng 8.000 người/trận. Những con số cho thấy sức hấp dẫn của hai đội bóng này. Tuy nhiên, đó là điểm chung hiếm hoi khi TP. HCM và Hà Nội là hai thế giới riêng biệt; từ cách xây dựng đội bóng, chiến lược mua sắm đến thành tích.

CLB Hà Nội áp đảo hoàn toàn khi đối đầu với CLB TP. HCM ở những trận đấu chính thức.

Cột mốc để so sánh sự tương phản giữa TP. HCM và Hà Nội chính là năm 2017, thời điểm đội chủ sân Thống Nhất vừa trở lại sân chơi V.League. Từ đó đến nay, có thể thấy, chiến lược của đội bóng này là đặt niềm tin vào các HLV ngoại. Họ trải qua 4 đời HLV đến từ bốn nền quốc gia khác nhau là Alain Fiard (Pháp); Toshiya Miura (Nhật), Chung Hae Seong (Hàn Quốc) và Mano Polking (Brazil). Trong đó, chỉ có HLV Chung Hae Seong trụ vững quá một mùa giải. Mỗi HLV đến từ các nước khác nhau đều mang theo triết lý xây dựng khác nhau.

Nếu HLV Miura đặt nền móng với phong cách thực dụng thì Mano Polking muốn xây dựng tấn công rực lửa. Tuy vậy, sự ổn định là điều mà CLB TP. HCM không có trong suốt thời gian qua. Thành tích của đội bóng này bất ổn khi xếp thứ 12 năm 2017 và 2018; thứ 2 năm 2019 và thứ 5 năm 2020. 

Với nguồn lực kinh tế mạnh, không ngoa khi nhận định, CLB TP. HCM muốn “ăn xổi”. Qua từng mùa giải, họ mang về những ngôi sao chất lượng. Đó là Trần Phi Sơn (2018), Ngô Hoàng Thịnh (2019), Bùi Tiến Dũng, Công Phượng hay bộ đôi tuyển thủ Costa Rica Joel Ortiz, Ariel Rodriguez (2020) hay Lee Nguyễn (2021). 

Chiến lược mua sắm này cùng cách xây dựng lực lượng khiến hằng năm, đội hình của CLB TP. HCM có sự biến động mạnh. Tính từ năm 2017 đến nay, chỉ còn hai cái tên còn gắn bó với đội bóng là tiền vệ Trần Thanh Bình và tiền đạo Vũ Quang Nam. Trong đó, chỉ có Trần Thanh Bình xuất thân từ lò đào tạo của đội bóng. Và CLB TP. HCM vẫn đang trên đường đi tìm một công thức chiến thắng sau những mùa giải thất bại vừa qua.

CLB TP. HCM trông cậy vào những ngôi sao như Lee Nguyễn.

Khác với đối thủ, Hà Nội có sự ổn định xuyên suốt thời gian dài. Chiến lược của đội bóng Thủ đô là dựa trên nền tảng “cây nhà, lá vườn”. Họ “cấy” các cầu thủ trẻ theo từng mùa giải. Đó là nền tảng cho sự ổn định về bộ khung. 

Trong bốn năm qua, dù có nhiều biến động nhưng HLV Chu Đình Nghiêm vẫn là thuyền trưởng ở đội bóng này. Đội bóng Thủ đô giữ được lực lượng nòng cốt suốt 5 năm qua với 16 cái tên: Nguyễn Văn Công, Phí Minh Long, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Thành Chung, Trần Văn Kiên, Nguyễn Văn Dũng, Đặng Văn Tới, Moses, Phạm Thành Lương, Nguyễn Quang Hải, Phạm Đức Duy, Thái Quý, Đỗ Hùng Dũng, Hồ Minh Dĩ, Nguyễn Văn Quyết.

Ở mùa giải này, lực lượng của đội chủ sân Hàng Đẫy vẫn là “cây nhà lá vườn”. Ngoài những ngoại binh, đội chủ sân Hàng Đẫy chỉ mua thêm những “lão tướng” như Lê Tấn Tài, Bùi Tấn Trường. Sự ổn định này giúp đội bóng Thủ đô có thành tích ổn định. Họ vô địch V.League 2018, 2019, hạng Nhì 2020 và hạng Ba năm 2017.

Mục tiêu của Hà Nội không chỉ là lấy lại vị trí số 1 ở V.League mà còn đánh chiếm sân chơi châu lục, AFC Cup; giải đấu mà Quang Hải cùng đồng đội chỉ dừng bước ở chung kết Liên khu vực năm 2019 trước April 25 của CHDCND Triều Tiên.

Hai đội đang đi trên hai con đường khác nhau và khi xét về đối đầu, sự ổn định của Hà Nội cũng áp đảo đối thủ. Từ năm 2017 đến nay, hai đội đối đầu 11 lần ở các trận đấu chính thức tại V.League, Cúp QG và Siêu cúp. Đội bóng Thủ đô áp đảo khi thắng đến 10 trận, hòa 1. 

Ở vòng 5 này, định mệnh sắp đặt TP. HCM đối đầu với Hà Nội trên sân Thống Nhất. Quá khứ, truyền thống cùng phong độ đang nghiêng về phía đội khách. Tuy vậy, bóng đá luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Một chiến thắng trước Hà Nội không đủ để giúp TP. HCM đi trên con đường mới nhưng đó là một viên gạch để đội bóng này hướng đến thành tích khả quan của cả một chặng đường. 90 phút trên sân Thống Nhất lúc 19h15 ngày 23/3 hứa hẹn sẽ đáng xem và nhiều bất ngờ. 

    Bình Luận