Cơ sở nào quy định Ngô Hoàng Thịnh đền bù 15 tháng lương cho chi phí chữa chấn thương của Hùng Dũng?

Theo án phạt từ phía Ban kỷ luật VFF, Ngô Hoàng Thịnh phải đền bù chi phí chữa trị không quá 15 tháng lương cho Đỗ Hùng Dũng. Vậy, con số 15 tháng lương đền bù đó dựa vào cơ sở nào?

Cuối năm 2015, bóng đá Việt Nam từng xáo động sau vụ việc Quế Ngọc Hải gây chấn thương nặng cho Trần Anh Khoa. Thời điểm đó, Ban kỷ luật VFF đã phạt Quế Ngọc Hải cấm thi đấu 6 tháng và chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho Trần Anh Khoa.

Tranh cãi nổ ra khi điều khoản “toàn bộ chi phí” gây ra là sự mơ hồ bởi không chỉ rõ Quế Ngọc Hải sẽ phải chịu chi phí bao nhiêu và đến bao giờ,… Vụ việc khép lại khi Quế Ngọc Hải đồng ý trả số tiền hơn 830 triệu đồng. Đó được xem là “án điểm”, chưa có tiền lệ và đã gây ra những tranh cãi về thuật ngữ “toàn bộ chi phí”.

Ngay sau vụ việc đó, VFF đã nhóm họp để ban hành Quy định mới. Ngày 28/12/2015, Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã ban hành quyết định số 529/QĐ-LĐBĐVN về sửa đổi, bổ sung Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN. Trong đó, Điều 39 về Hành vi xâm phạm thân thể nhấn mạnh:

1. Người nào định hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác nhưng chưa làm thiệt hại đến thân thể, sức khoẻ của người khác thì bị cảnh cáo và có thể bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 03 trận. Nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ, thân thể người khác thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 05 trận hoặc ít nhất 01 tháng. 

Ngô Hoàng Thịnh được xác định có hành vi Xâm phạm thân thể của Đỗ Hùng Dũng.

2. Trường hợp có hành vi xâm phạm thân thể nghiêm trọng có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

3. Phạt tiền tối thiểu 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 (nếu áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ) và khoản 2 Điều này. 

Ngoài ra, người vi phạm có thể phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra, mức chi phí được quy định cụ thể như sau:

a) Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm;

b) Không vượt quá 50.000.000 đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB, đội bóng đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả.

Trong đó, quy định mức chi phí không vượt qua 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm được xem là điều khoản bổ sung. Vậy, tại sao lại có khung 15 tháng lương?

Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Xuân Thành, Trưởng ban kỷ luật VFF cho biết: “Án phạt dành cho Ngô Hoàng Thịnh được quy định trong quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), khoản 4 điều 39”.

Đối với mức chi trả toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương không vượt quá 15 tháng lương theo hợp đồng lao động ký với CLB, ông Thành cho hay: “VFF đã xây dựng quy định kỷ luật như vậy; được các CLB, các thành viên liên đoàn đồng ý, Ban chấp hành thông qua. Đó là cuộc chơi và các bên chấp nhận thỏa thuận đó. Trước khi đưa ra quy định, VFF đã ra dự thảo rồi gửi đến các Liên đoàn thành viên, các CLB thống nhất với nhau. Đó là luật của Liên đoàn chứ không phải luật nào khác”. 

Theo ông Thành, mấu chốt của những vụ việc như Đỗ Hùng Dũng – Ngô Hoàng Thịnh vẫn nằm giữa thỏa thuận dân sự giữa các bên. “Chúng tôi là bên trung gian để bắt các bên phải thực hiện theo quy định. Đó là luật đưa ra còn các bên có thể thỏa thuận với nhau về mọi hình thức; thậm chí họ có thể cho nhau. Chúng tôi phải đưa ra mức án để các bên thực hiện, phải báo cáo đã làm như thế nào và bên gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm”, ông Thành nói.

Bên cạnh sửa đổi luật, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ký hợp đồng với PTI mua bảo hiểm cho các thành viên (cầu thủ, trọng tài, giám sát,…) tham gia làm nhiệm vụ các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trong quá trình tập luyện và thi đấu. Mức chi trả cho chi phí chữa trị không quá 300 triệu đồng/ca đối với cầu thủ.

HLV Park Hang Seo tin tưởng Đỗ Hùng Dũng sẽ sớm trở lại. Ảnh: VFF

Đối với trường hợp của Ngô Hoàng Thịnh và Đỗ Hùng Dũng, đây cũng là ca đầu tiên kể từ khi VPF mua bảo hiểm, án phạt buộc cầu thủ phạm lỗi phải chi trả chi phí đền bù cho người bị phạm lỗi. Trong trường hợp Hùng Dũng đã được mua bảo hiểm thì cầu thủ Hà Nội FC được hưởng số tiền đó hay cấn trừ vào chi phí chấn thương Hoàng Thịnh phải chi trả?

“Đó là hai phạm trù khác nhau. Hoàng Thịnh nhận án phạt từ phía Ban kỷ luật VFF. Phía VPF và bảo hiểm PTI sẽ thanh toán tất cả chi phí về viện phí cho Hùng Dũng dựa trên chứng từ hợp lý và hợp lệ chứ không cấn trừ vào hình phạt cho Ngô Hoàng Thịnh”, Tổng giám đốc VPF, Nguyễn Minh Ngọc cho biết.

Bà Huỳnh Kim Dung, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, đơn vị chữa trị chấn thương cho Đỗ Hùng Dũng cho biết, bệnh viện sẽ miễn phí toàn bộ chi phí chữa trị của tiền vệ của Hà Nội FC.

Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh miễn phí các chi phí cho Đỗ Hùng Dũng.

“Ngoài các chi phí mà BHYT thanh toán, ban giám đốc bệnh viện cùng ekip phẫu thuật thống nhất sẽ miễn toàn bộ chi phí phẫu thuật, chi phí nằm viện và chi phí vật lý trị liệu sau mổ cho cầu thủ”, bà Dung cho biết.

    Bình Luận