“Chuyện Nguyên Phong” của HLV họ Vương dành cho tôi hôm nay là Thể Công của một thời hào hùng năm 1998, khi mà ông dẫn dắt thế hệ vàng của Thể Công gồm Hồng Sơn, Đức Thắng, Việt Hoàng, Mạnh Dũng… vô địch năm 1998. Câu chuyện của người lính già về một đội bóng áo lính đậm chất lính tráng kiêu hùng nhưng không ngăn được những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt vừa qua ngưỡng “cổ lai hy”. Tuổi già giọt lệ như sương, nhưng dường như, khi chạm vào Thể Công, nguồn cảm xúc của ông vẫn tràn đầy, tươi mới như xưa.
“Tôi được đến với Thể Công là cơ may lớn”
Thật sự tôi vẫn nghĩ rằng việc mình đến với Thể Công là một vinh dự và cơ may lớn nhất cuộc đời. Gia đình tôi vốn là Việt kiều ở Thái Lan về nước, sau đó bố tôi đóng quân ở Nghệ An nên gia đình sống ở thành phố Vinh. Khi đó, tôi theo học ở trường năng khiếu của tỉnh.
Năm 1964, đội Thể Công vào Vinh để thi đấu với đội Quân khu 4 ở một giải đấu của quân đội. Khi nhìn thấy tôi tập bóng ở đây, các anh, các chú ở Thể Công liền hỏi “Có muốn vào Thể Công không?” và tôi liền gật đầu.
Sau đó, ông Quýnh (cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh) đã viết thư cho gia đình tôi để xin tôi lên Thể Công và bố tôi liền đồng ý. Ở thời điểm này, đội Gang Thép Thái Nguyên cũng về Vinh để xin tôi nhưng bố khuyên tôi hãy gia nhập Thể Công. Tôi chính thức trở thành cầu thủ Thể Công năm 1965 và thi đấu đến năm 1978, sau đó được cử sang Liên Xô học tập ở trường ĐH Thể dục Thể thao quân sự của Liên Xô đến năm 1983.
Đến năm 1984, tôi được giao huấn luyện lứa cầu thủ trẻ của Thể Công gồm Thanh Hải, Trần Xuân Lý, Đặng Văn Dũng. Rồi đến lứa thứ hai vào năm 1988 gồm Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng… Đến năm 1998, tôi lại gặp lại lứa học trò này ở Thể Công nhưng với vai trò HLV trưởng.
Thể Công khi đó đang rơi vào tình trạng bế tắc. Khi tôi được giao dẫn dắt Thể Công, đội bóng đang trải qua thời kỳ suy thoái nặng nề từ năm 1994 đến 1997. Năm 1995, Thể Công phải đá “chung kết ngược” để tranh suất trụ hạng với Hải Quan.
Còn mùa 1996 và 1997, Thể Công cứ đá là thua, thậm chí suýt xuống hạng. Cho nên, dư luận và báo chí “đánh” Thể Công tơi tả, khiến cho bên Bộ Quốc Phòng rút lại phiên hiệu Thể Công, chuyển tên đội bóng thành CLB Quân Đội, bởi “Thể Công làm sao có thể thi đấu yếu kém như thế”.
“Chức vô địch 1998 rất ý nghĩa”
Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và BHL ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình cho nên đã chuẩn bị rất kỹ càng. Hai tháng trước mùa giải 1998, tôi quyết định không để đội ở Hà Nội nữa mà kéo lên Việt Trì để tập luyện rồi sau đó di chuyển vào Hà Tĩnh tập huấn tiếp đến 27-28 Tết Mậu Dần.
Lúc đó, các cầu thủ cũng rất bức xúc vì không được về nhà dù Tết cận kề. Nhưng do tình thế cấp bách, không thể để lãng phí thời gian tập luyện, nên phải đến chiều 28 tháng Chạp năm 1997, chúng tôi mới về Vinh để làm bữa tất niên rồi về Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả khi đã về thủ đô, toàn đội phải ăn ở tập trung bên Gia Lâm, hôm nào thi đấu mới di chuyển về sân Cột Cờ và thi đấu xong lại trở về Gia Lâm.
Kể lại chuyện này để thấy toàn đội quyết tâm cao như thế nào nhằm chấn chỉnh kỷ luật và xốc lại tinh thần chiến đấu. Mùa đó, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ, trận nào cũng tấn công ồ ạt với nền tảng thể lực tuyệt vời không chỉ trong 90 phút mà từ đầu giải đến cuối giải. Chúng tôi đã giành chức vô địch rất xứng đáng vào tháng 6/1998.
Nhờ thành tích và lối chơi uy dũng của đội bóng, Bộ Quốc Phòng ký quyết định đồng ý sử dụng lại tên hiệu Thể Công thay CLB Quân Đội vào ngày 15/8/1998. Đây là điều rất có ý nghĩa với toàn đội và bản thân tôi bởi đã hoàn thành được nhiệm vụ của một người lính Thể Công.
Riêng tôi, còn có niềm tự hào khác bởi lứa cầu thủ năm đó chính là lứa cầu thủ trẻ nhập ngũ năm 1988 do tôi đào tạo. Đây có thể gọi là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam với Hồng Sơn, Đỗ Mạnh Dũng và những cầu thủ trẻ hơn như Triệu Quang Hà, Trần Tiến Anh, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng… Thế hệ này cũng đã trở thành trụ cột của ĐT Việt Nam ở SEA Games 1999 tại Brunei.
Niềm vui nhân đôi của lứa 1965
Hơn 10 năm sau, Thể Công bị xóa tên. Chúng tôi đều cảm thấy xót xa. Tôi rời Thể Công để đi làm HLV của gần 10 đội bóng khác trước khi giải nghệ vào năm 2014. Nhưng tôi vẫn suy nghĩ về Thể Công hàng ngày.
22 năm sau chức vô địch của Thể Công, chúng tôi mới được hưởng lại niềm vui khi CLB Viettel vô địch V.League 2020. Đó cũng là ngày kỷ niệm 55 năm ngày thế hệ nhập ngũ năm 1965 của chúng tôi trở thành người Thể Công. Và càng hạnh phúc hơn khi Trương Việt Hoàng là HLV của Viettel.
Phải nói rằng, lứa cầu thủ vô địch năm 1998 có nhiều tố chất để trở thành HLV giỏi như Việt Hoàng, Đức Thắng, Hồng Sơn, Quang Hà. Các em đã trải qua thời kỳ khó khăn nên có được bản lĩnh, cộng thêm được đào tạo bài bản nên có năng lực và kiến thức tốt để huấn luyện đội bóng.
Cho dù CLB Viettel chưa có được sự uy dũng như Thể Công khi xưa, nhưng Việt Hoàng đã làm rất tốt những gì tôi đã từng làm với Thể Công 22 năm trước. Với phẩm chất Thể Công của Việt Hoàng và cách làm bóng đá hiệu quả của tập đoàn Viettel, tôi cho rằng, chỉ 1-2 năm nữa thôi, Thể Công lẫy lừng của ngày xưa sẽ trở lại.
Bình Luận