Điểm nhấn của vòng 6 là những trận hòa và có một cơn hạn hán mang tên... bàn thắng. Có đến 4/7 trận đấu kết thúc với tỷ số hòa và chỉ có tổng cộng 8 bàn thắng được ghi. Những thông số về chuyên môn cho thấy thực tế khắc nghiệt và giới hạn mong manh ở V.League.
Nếu bạn ưa thứ bóng đá tấn công, thích những bữa tiệc bàn thắng thì hẳn sẽ không cảm thấy hứng thú với việc vòng 6 có quá nhiều trận hòa. Nhưng nếu chứng kiến diễn biến trên các sân đấu và cách mà các đội bóng thể hiện, hẳn bạn sẽ thấy những tín hiệu tích cực từ việc V.League không có nhiều bàn thắng.
Hãy nhìn một Sài Gòn FC đã thi đấu thế nào trước một đội tuyển thu nhỏ mang tên Hà Nội FC. Rồi, B.BD và XSKT.CT đã thi đấu xuất sắc ra sao trước các đội chủ nhà SLNA và FLC Thanh Hóa. Chưa hết, một Hải Phòng đang gồng mình trong khủng hoảng vẫn đánh bại chủ nhà TP.HCM được đầu tư mạnh và đầy tham vọng.
Có thể thấy, ngoại trừ Hà Nội FC tỏ ra vượt trội trước mọi đối thủ thì không có nhiều khác biệt về đẳng cấp giữa các đội bóng ở phần còn lại của giải đấu. Nhưng ngay cả đội bóng thủ đô cũng không thể lấy điểm một cách dễ dàng trước những đối thủ đang gặp khó khăn. Thậm chí, FLC Thanh Hóa vốn được đầu tư mạnh mẽ để “hóa rồng” vẫn bất lực trước một XSKT.CT chơi bền bỉ, chặt chẽ và quyết tâm.
Bóng đá ghi nhận vai trò quyết định của đẳng cấp. Nhưng bóng đá cũng là nơi để những đội bóng có khát vọng làm những chuyện động trời. Màn trình diễn của các đội bóng và khoảng cách mong manh về trình độ đang tồn tại ở V.League hứa hẹn mang đến những kịch tính của các cuộc đua. Rằng, không có một công thức thành công nào duy nhất đúng trong bóng đá.
Trình độ và đẳng cấp được kiến tạo bởi sự chắt chiu, cố kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của các đội bóng. Vậy nên, những cánh cửa thành công tưởng chừng đang đóng chặt lại luôn rộng mở với các đội bóng có khát vọng. Cục diện của V.League biến ảo khôn lường bởi người trong cuộc hiểu về giá trị của bản thân và đủ niềm tin để kiến tạo những chân giá trị mới.
Bình Luận