“Đa số ai cũng khỏe. Nếu người khỏe nhất là 10, thì thấp nhất cũng là 8 chứ không có nhiều chênh lệch. Văn Thanh, Hùng Dũng rất khỏe. Quang Hải cũng khỏe. Văn Toàn bứt tốc cực nhanh. Tốc độ, khả năng xử lý bóng… ở đây đều nhanh hơn hẳn V.League. Tôi phải sớm thích nghi, nếu không cũng rất khó khăn”, tiền vệ Cao Văn Triền – tân binh lần đầu tiên lên đội tuyển Việt Nam không khỏi bị ngợp trong giai đoạn đầu lên đội tuyển.
Không chỉ Cao Văn Triền, nhiều cầu thủ mới lần đầu lên đội tuyển Việt Nam cũng không khỏi bất ngờ trước trình độ cao trên ĐTQG được huấn luyện bởi HLV Park Hang Seo. “Khi lên đội tuyển Việt Nam, tôi phải cố gắng hòa nhập thật nhanh và bồi bổ thêm để thể lực không bị yếu. Dù gì thì chơi ở CLB cũng khác ở tuyển”, tiền vệ Đặng Anh Tuấn – cầu thủ cũng được xem là chất lượng trong mặt bằng V.League nói chung thừa nhận.
A Hoàng là gương mặt từng quen ăn cơm tuyển cho đến khi những chấn thương lớn nhỏ khiến sự nghiệp anh có lúc đứt đoạn liên tục. Trở lại cấp độ ĐTQG, anh bày tỏ: “Lâu quá rồi tôi mới trở lại đội tuyển. Trước đó, dù tôi đã là học trò ông Park ở U23 Việt Nam nhưng không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp khi lên ĐT Việt Nam”.
Đánh giá về sự khác biệt giữa ĐTQG và V.League, HLV Nguyễn Đức Thắng từng trao đổi với một tờ báo điện tử Việt Nam với ví dụ điển hình là sơ đồ 3-4-3. Ông nói: “Nền tảng cho thành công của các cấp độ ĐTQG từ năm 2018 là sơ đồ ba trung vệ. Nhưng chúng ta cần hiểu đúng bản chất của bóng đá. Chiến thuật này không mới. Những năm 1980-1990, đội trẻ Thể Công đã áp dụng rồi. Nhưng tại sao hiện tại, đội tuyển dùng được còn CLB thì không, dù biết là nó tốt? Vì chúng ta đâu thể nhân bản diện rộng những nhân tố như Trọng Hoàng, Văn Hậu hai bên cánh hay các trung vệ Ngọc Hải, Tiến Dũng, Đình Trọng?
Năm 2018, sơ đồ ấy bùng lên với thành công ban đầu của U23 Việt Nam. Nó bùng lên nhờ đâu? Là nhờ gió. Mà gió theo tiếng Hán là phong. Phải có phong thì mới trào lên, bùng lên được chứ. Chúng ta đâu chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam vẫn còn đang phong trào lắm. Một nền bóng đá phong trào như hiện tại mà đòi đá chuyên nghiệp như đội tuyển Việt Nam thì làm sao được. Nền bóng đá chúng ta không chuyên nghiệp. Xã hội chúng ta chưa có một cái nhìn khách quan. Trong những người đến với bóng đá, không nhiều người muốn cống hiến, hy sinh bản thân để phục vụ quyền lợi cho đội bóng, cầu thủ. Tôi cũng muốn đội bóng của tôi chơi với sơ đồ mới lắm chứ. Nhưng thực phẩm của tôi không "ngon", không "tươi" thì làm sao chế biến món ăn cao cấp được”.
Độ vênh giữa đội tuyển Việt Nam và V.League không đơn thuần ở trình độ khác biệt của các tuyển thủ quốc gia với nhiều cầu thủ ở V.League, cũng chẳng phải ở sơ đồ 3-4-3 của ông Park vốn khác biệt so với đại bộ phận các CLB tại V.League thường chơi với sơ đồ 4-4-2 hoặc 4-3-3, 4-5-1… Đó còn là quan điểm nhìn nhận sử dụng tiền đạo nội, ngoại giữa HLV Park Hang Seo và các HLV tại V.League.
Đương nhiên, với một HLV phải sử dụng 100% cầu thủ Việt Nam như ông Park, nhà cầm quân Hàn Quốc đương nhiên muốn vấn đề nổi cộm nhất là ĐT Việt Nam đang thiếu tiền đạo giỏi được các CLB V.League quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn cho chân sút trẻ. Nhưng ngược lại, với sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, các CLB V.League không thể hy sinh quyền lợi của mình để phục vụ hoàn toàn cho các ĐTQG. Việc tuyển mộ các chân sút ngoại vẫn diễn ra một cách nhịp nhàng ở mùa giải năm nay và trải đều trên toàn thể 14 CLB tham dự giải đấu.
12 tiền đạo nội được đá xấp xỉ với ngoại binh tại các CLB Nhưng mấy ai trong số đó đủ khả năng lên đội tuyển Việt Nam? Và mấy ai trong số đó đủ sức lên ĐTQG có thể chơi ở vị trí trung phong mà HLV Park Hang Seo mong mỏi? |
Bình Luận