Người ta đến Hàng Đẫy để vui, để yêu, để sống trong hy vọng về chiến thắng cho đội nhà, cho bóng đá Việt Nam. Nhưng, Hàng Đẫy cũng có nỗi đau mà không ai muốn, nhưng vẫn phải nhắc lại, đó là pháo sáng.
Một năm trước, pháo sáng, pháo dù được kích hoạt như tên bắn trong trận đấu giữa Hà Nội và DNH Nam Định. Hệ quả là một cô gái xinh đẹp vì yêu bóng đá mà đến đã phải nhập viện với vết thương cực nặng ở đùi. Cũng may mà quả pháo dù ấy chỉ bắn trúng đùi chứ cao hơn độ vài chục phân thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, cô gái bị thương bởi pháo sáng ấy có còn đến sân xem bóng đá nữa không? Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng, cô gái ấy và những đồng nghiệp ở báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhiều năm qua đã đi khắp nước tổ chức giải U11, U13 QG nhằm tìm kiếm, phát hiện nhân tài cho bóng đá Việt Nam. Họ lao vào cuộc với niềm tin lấp lánh rằng bóng đá Việt Nam sẽ có thêm những ngôi sao mới. Nhưng, chẳng ai ngờ, một người làm bóng đá trẻ lại gục ngã ngay trên khán đài với những vêt thương về thể xác lẫn tâm lý. Đó là một nỗi đau của không chỉ cô gái ấy, mà còn là cú sốc với bóng đá Việt Nam.
Sau buổi chiều kinh hoàng trên sân Hàng Đẫy, rất nhiều CĐV quá khích đã bị nhà chức trách gọi tên. Một số người đã bị khởi tố, phạt tù. Họ phải trả giá thật đắt cho một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ của mình. Họ trả giá bằng tự do của mình. Nhưng, có những điều mà ít người biết rằng, nỗi đau ấy không chỉ đến với chính các CĐV mà còn là vết hằn, cú sốc với chính gia đình họ. Ít người biết rằng, mẹ của một CĐV bị bắt đã đột quỵ khi chứng kiến cảnh con bị nhà chức trách dẫn đi. Những nỗi đau ấy thật không thể đong đếm và họ không còn cơ hội để sửa sai.
Bóng đá là cuộc đua tranh, thậm chí nó còn kéo theo những cuộc tranh luận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng, sự đua tranh ấy không thể biến thành thù hận, bởi bóng đá là để chúng ta yêu thương, gắn kết chứ chẳng phải là địa vực cho những nỗi đau. Đốt một quả pháo sáng trên sân không thể khiến bạn tự hào hơn. Nhưng, nếu hậu quả xảy ra với những người vô tội, hoặc chính bản thân bạn bị pháp luật gọi tên thì đó thực sự là điều đáng nói.
Đừng để Hàng Đẫy đau! Những thù hận xin khép lại! Hãy để bóng đá mang đến niềm vui, nỗi buồn, nhưng chỉ ở mặt xúc cảm mà thôi!
XEM THÊM
Cảnh sát hình sự tham gia bảo vệ trận Hà Nội gặp Hải Phòng
Bình Luận