
Thương chiến, Covid-19, đó là những cú sốc quá lớn đối với kinh tế toàn cầu. Nó tạo ra cuộc khủng hoảng toàn diện mà dễ nhận thấy nhất chính là việc đình trệ nguồn cung. Những nền kinh tế phát triển nhất cũng cảm thấy sự mong manh, lệ thuộc của mình. Thậm chí, ngay cả những đất nước văn minh nhất cũng lao vào cuộc chiến giành giật vật phẩm y tế, hàng hóa phục vụ dân sinh. Từ sự hoang mang, lệ thuộc, các nước phát triển nhận thấy rằng, cần phải đa dạng hóa nguồn cung thay vì gửi hết trứng vào một giỏ.
Covid-19 buộc thế giới phải thay đổi. Bóng đá cũng phải thích ứng với trạng thái bình thường mới nhằm duy trì sự tồn tại của mình. Phải nhấn mạnh đến từ “tồn tại” ở nghĩa cơ bản nhất chứ không mơ mộng đến những điều cao sang trong một thế giới có quá nhiều bất ổn. Nó cũng giống như việc, lần đầu tiên sau nhiều năm mở cửa với ngoại binh, bóng đá Việt Nam chứng kiến cảnh tranh giành cầu thủ ngoại đang thi đấu ở V.League. Thậm chí, một ngày sau khi V.League khép lại, có đội bóng đã công bố bản hợp đồng mới là người cũ của CLB khác. Đến giờ, hầu như tất cả các cầu thủ từng thi đấu ở V.League mùa trước đều có bến đỗ.
Các đội bóng Việt Nam vốn thích sự an toàn trong chuyển nhượng cầu thủ. Đại dịch Covid-19 khiến các đội bóng càng hướng đến sự thực dụng trong mua bán. Đơn giản bởi cầu thủ ngoại không dễ vào Việt Nam thử việc và các CLB cũng không muốn tốn thời gian, tiền bạc, công sức cho những thương vụ mà họ không chắc chắn về độ thành công.
Khi nguồn cung cầu thủ ngoại bị đứt gãy, các đội bóng phải hướng đến những giải pháp mang tính tình thế. Nhưng, sự khắc nghiệt của cuộc chơi và những điều kiện khó khăn mà khách quan mang đến lại thúc đẩy các đội bóng nâng cao năng lực tuyển chọn, hợp tác quốc tế. Họ có thể tiếp cận những “nguồn hàng” chất lượng hơn. Họ cũng phải làm quen với thực tế để lách qua khe cửa hẹp nhằm tìm kiếm cho mình những cầu thủ tốt nhất.
Bình Luận