Ông vua “núp gió”
Trong 10 mùa gần nhất, Hà Nội FC vô địch tới 5 lần và giành ngôi á quân đến … 4 lần, đủ hiểu sức mạnh và vị thế cực lớn của họ. Cần nhấn mạnh, chỉ trong ngần ấy thời gian, đội bóng thủ đô với tuổi đời non trẻ (thành lập năm 2006) đã cân bằng kỷ lục của huyền thoại Thể Công về số lần lên ngôi ở giải VĐQG.
Tuy nhiên cần biết đa số kịch bản mà họ đăng quang đều thuộc diện kịch tính. Ngoại trừ năm 2018 vô địch sớm 5 vòng với lực lượng gồm nhiều cầu thủ vừa toả sáng ở VCK U23 châu Á, thì ở những mùa 2010, 2013, 2016 hay 2019, Hà Nội FC đều chỉ đăng quang ở sát thời điểm V.League hạ màn. Hà Nội FC xuất phát chậm, cũng không vô địch lượt đi, nhưng cách “núp gió” hợp lý cộng thêm sự tăng tốc ở lượt về giúp họ dần áp sát và vượt mặt đối thủ. 9/10 mùa giải đã qua, Hà Nội FC đa phần đều làm như vậy. 5/9 lần trong đó, họ thành công với chức vô địch.
Hay như mùa này, Hà Nội FC từng rơi xuống giữa BXH, nhưng họ vẫn biết cách tăng tốc trở lại đầy mạnh mẽ.
Nhưng liệu có thành công?
Có một điểm cần phải nói thêm, Hà Nội FC không phải lúc nào cũng thắng trong những cuộc đua đến ngôi vô địch. 4/9 mùa giải trước V.League 2020, Hà Nội FC cũng phải chấp nhận về nhì chung cuộc. Một chi tiết đáng chú ý, đó là Hà Nội FC dù rất giỏi “núp gió” và tăng tốc đúng thời điểm nhưng họ thực sự chỉ mạnh khi có thể giải quyết cuộc đua trước khi vòng đấu cuối cùng diễn ra. Bởi khi đã bị dồn vào thế chân tường, hay phải ganh đua với đối thủ ở vòng hạ màn V.League, Hà Nội FC thường thất bại thay vì thành công.
Thống kê chỉ ra rằng, Hà Nội FC trải qua 4 mùa giải phải ganh đua với đối thủ cho đến vòng đấu cuối cùng. 3 trong số đó, đội bóng thủ đô là người thua cuộc. Ví dụ như ở V.League 2011, Hà Nội FC thất bại chung cuộc trước Sông Lam Nghệ An. Trước khi vòng đấu cuối cùng giữa hai đội diễn ra trên sân Vinh, SLNA hơn Hà Nội FC đúng 3 điểm. Và trận đấu “chung kết” trên sân Vinh, SLNA đã hòa nghẹt thở 1-1 trước Hà Nội FC để vô địch giải đấu.
Đến năm 2012, Hà Nội FC hơn SHB Đà Nẵng 1 điểm trước khi vòng cuối diễn ra. Ở lượt cuối, trận hòa không bàn thắng trước Sài Gòn Xuân Thành cộng thêm SHB Đà Nẵng đánh bại chủ nhà Vissai Ninh Bình khiến Hà Nội rơi chức vô địch. Hay như ở năm 2017, trận hoà tai hại 4-4 trước Than.QN khiến Hà Nội FC bị Quảng Nam vượt mặt ở phút chót. Đội bóng thủ đô chỉ có duy nhất 1 lần thành công khi ganh đua với Hải Phòng tại V.League 2016 mà thôi.
Năm nay, Hà Nội FC lại đua song mã với Viettel. Chức vô địch cũng chưa thể ngã ngũ cho đến vòng cuối cùng. Thói quen không may mắn như trong quá khứ có thể “ám” lấy thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Nhưng có lẽ, họ cũng phải tự trách mình, bởi không thể giải quyết được khi đối diện trực tiếp với Viettel trước đó 2 vòng đấu, khi phải chấp nhận trận hoà 0-0 chẳng khác nào một thất bại.
Duy Mạnh, Đình Trọng trở lại tập luyện
“Đội bóng thủ đô được tiếp thêm sức mạnh trước trận gặp Than.QN bằng sự trở lại của bộ đôi Đình Trọng - Duy Mạnh”, fanpage của Hà Nội FC viết.
Xuyên suốt gần 1 năm qua, cặp trung vệ chủ lực của Hà Nội FC đã không thể thi đấu vì chấn thương. Nếu như Đình Trọng bị đau ở sụn chêm đầu gối thì Duy Mạnh vẫn đang trong thời gian hồi phục sau ca phẫu thuật dây chằng. Dù trở lại tập luyện cùng các đồng đội nhưng khả năng để cả hai ra sân thi đấu trong chuyến làm khách trên sân Cẩm Phả của Than.QN là không cao. Dẫu sao, sự hiện diện của họ cũng là một liều thuốc tinh thần lớn cho toàn đội hướng về một kết qủa tốt ở lượt đấu cuối cùng. Một tin vui đối với Hà Nội FC là lão tướng Lê Tấn Tài đủ điều kiện thi đấu sau khi hết hạn treo giò vì thẻ phạt.
XEM THÊM
V.League 2020: Thời khắc quyết định
Bình Luận