Nhiều ý kiến cho rằng với dàn nội binh vô cùng chất lượng, nhìn đâu cũng thấy tuyển thủ QG trong đội hình của Hà Nội và Viettel thì chỉ cần duy trì ngoại binh như năm ngoái cũng đủ sức để đua vô địch mà không phải âu lo.
Trên thực tế những Omar, Rimario luôn là “mặt hàng” rất giá trị, được vô số đội thèm khát, nhưng Hà Nội FC vẫn quyết định thay họ để đưa về Bruno và Geovane. Phải chăng đội bóng Thủ đô thừa tiền nên mới tân trang đội hình và đi kèm với đó là những rủi ro rằng nhân tố mới có đem lại hiệu quả, đủ sức chắp cánh cho tham vọng lấy lại vị thế số 1 ở V.League hay không. Tất nhiên, với việc tậu Bruno và Geovane, Hà Nội FC phải chi rất nhiều tiền bởi 2 cầu thủ này năm ngoái đã làm khổ sở biết bao hàng thủ, trở thành nỗi ám ảnh với các thủ môn.
Thế nhưng, ở 2 trận đầu, những tân binh của Hà Nội FC quá mờ nhạt và người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về sự hiệu quả trong cách tiêu tiền của đội bóng Thủ đô. Thua liền 2 trận, đương nhiên hình ảnh của Hà Nội FC xuống rất thấp và với thể thức thi đấu không còn lượt đi, lượt về nữa, cơ hội để Văn Quyết cùng các đồng đội cứ bị vơi cạn đi ngay từ vạch xuất phát. Khối áp lực cực lớn đè nặng lên Hà Nội FC và dù mọi thứ đã được nới ra đôi chút khi họ giành chiến thắng trước Hải Phòng vòng 3 nhưng phải nói rằng dấu ấn của Bruno và Geovane vẫn chưa lớn. Mãi đến trận gặp Thanh Hóa, bộ đôi đắt giá này mới thực sự tỏa sáng.
Trong khi đó, Viettel cũng ở hoàn cảnh khá giống với Hà Nội FC ở giai đoạn “nổ máy”. Và cả những lời gièm pha về cách mua sắm, nhất là ngoại binh khi việc để Bruno ra đi, đem về Paulo bao phủ lên Viettel. Thật ngẫu nhiên, ở vòng 4, giống như Hà Nội FC, tân binh đắt giá của Viettel là Paulo mới lên tiếng khi mở ra chiến thắng thuyết phục trước Nam Định. Những bàn thắng đẹp mắt đến từ các tân binh đắt giá của Hà Nội FC, Viettel không chỉ giúp họ lấy lại sự hào quang mà quan trọng nhất là đã giúp các đội bóng chủ quản của mình trút bỏ cả tấn áp lực, cuốn phăng những gièm pha về cách mua sắm không hiệu quả.
Bình Luận