V.League khó có kẽ hở để tổ chức giải
Từ tháng 9 cho đến hết năm 2021, đội tuyển Việt Nam sẽ phải căng mình ở 2 mặt trận là vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Dù rằng, quãng thời gian nghỉ giữa những đợt thi đấu này là có trên lý thuyết (ví dụ Việt Nam chỉ đá 2 trận vòng loại World Cup trong tháng 9 gặp Saudi Arabia và Australia rồi sau 1 tháng mới đá 2 lượt tiếp theo trên sân của Trung Quốc, Oman) nhưng kẽ hở ấy sẽ lập tức bị lấp đầy nếu như các tuyển thủ Việt Nam phải tuân thủ thời gian cách ly 14 ngày cũng như cần đảm bảo 1 tuần chuẩn bị ở ĐTQG trước khi bước vào lượt kế tiếp.
Điều ấy khiến cho V.League có rất ít thời gian để tổ chức trong giai đoạn từ tháng 9 đến hết tháng 12 trong năm 2021. Bởi ngay sau khi lượt trận thứ 6 diễn ra vào ngày 16/11 thuộc vòng loại thứ 3 World Cup khép lại thì thầy trò Park Hang Seo cũng chỉ có đúng 20 ngày để tiếp tục bước vào thi đấu AFF Cup 2020.
Trong bối cảnh mà đa phần giới mộ điệu muốn đội tuyển Việt Nam dùng lực lượng mạnh nhất cho cả AFF Cup 2020 lẫn vòng loại World Cup 2022 thì đương nhiên, V.League không có cơ hội để tổ chức, nếu như quãng thời gian tháng 8 tới đây không thể diễn ra. Về cơ bản, phải thừa nhận mà nói, trong quan điểm của nhiều người, giá trị của ĐTQG cao hơn rất nhiều so với V.League. Nhưng quan điểm đó không khác nào câu nói “Việt Nam xây nhà từ nóc” vốn đã xuất hiện 2 thập kỷ trước đây của cố HLV Alfred Riedl cả. Bởi nền móng thành công dẫn đến sức mạnh của ĐTQG đến từ bóng đá trẻ và sự chuyên nghiệp của các CLB và giải quốc gia. HLV Park Hang Seo từng nhấn mạnh rằng đội tuyển Việt Nam mà ông dẫn dắt không thể thành công nếu như không có sự chung tay của CLB.
Đặt giá thiết ĐTQG dồn toàn lực cho vòng loại World Cup và AFF Cup như quan điểm của nhiều người hâm mộ mà dẫn đến V.League không thể diễn ra thì hệ luỵ kéo đến sẽ thế nào? Trước tiên, uy tín của giải đấu với nhà tài trợ không được đảm bảo. Việc V.League tìm kiếm các mạnh thường quân ở những mùa bóng tới cũng khó khăn hơn. Thứ hai, V.League hoàn toàn có thể rơi vào tình cảnh giống giải VĐQG Hà Lan 1 năm về trước. Đấy là không có nhà vô địch cũng chẳng có đội lên, xuống hạng. Đương nhiên, HAGL là đội chịu thiệt thòi nhất. Sau 17 năm, họ mới ở gần chức vô địch đến như vậy. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giải đấu lỡ dở đồng nghĩa HAGL cũng mất chức vô địch trong đáng tiếc.
Cần có sự cân bằng giữa quyền lợi CLB V.League và ĐTQG
Bên cạnh đó, nhiều CLB đã bỏ ra những khoản lương khổng lồ cho ngoại binh, cầu thủ Việt kiều đến các ngôi sao nội trong đội hình. Họ cần chuyển đổi khoản đầu tư ấy thành có lãi nhờ vào tiền tài trợ, tiền của giải đấu. Nhưng giải đấu huỷ giữa chừng cũng có nghĩa rằng quyền lợi của các CLB có thể bị ảnh hưởng theo. Liệu sau ngần ấy hệ luỵ, các CLB có chấp nhận để những cầu thủ do chính mình trả lương lên ĐTQG hay không? Đặc biệt là những giải đấu vốn không thuộc FIFA Days như SEA Games hay AFF Cup?
Dịch Covid-19 buộc mọi lĩnh vực phải thay đổi suy nghĩ, phải linh hoạt biến đổi trong hành động để tìm ra những giải pháp phù hợp. Thái Lan từng chấp nhận viễn cảnh dùng đội hình phụ ở AFF Cup để Thai League có thể diễn ra ổn định. Nhật Bản sẵn sàng dùng 2 đội hình khác nhau ở vòng loại World Cup 2022 để có thể trả cầu thủ trụ cột về CLB chủ quản đúng thời hạn. CH Czech thậm chí phải thay đổi nguyên một lực lượng vì biến cố do dịch Covid-19.
Những bài học ấy đủ để thấy đội tuyển Việt Nam cũng cần có sự linh hoạt trong giai đoạn tới. Bản thân quan điểm của nhiều người hâm mộ cũng cần có sự thông cảm sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Chẳng hạn như Việt Nam có thể dùng 2 đội hình, trong đó dự phòng chính là U23 Việt Nam cho chiến dịch vòng loại World Cup. Hoặc AFF Cup, Việt Nam sử dụng đội hình phụ để V.League có thể diễn ra trọn vẹn.
Bình Luận