Điểm số và cuộc đua vô địch
Đương nhiên, điểm số của HAGL ở V.League 2003 và Công An Hà Nội ở năm 2023 là tiêu chí cơ bản đầu tiên được đem ra so sánh. 20 năm trước, trong lần đầu tiên thăng hạng, HAGL giành được 43 điểm sau 12 chiến thắng, 7 trận hòa và 3 trận thua. Ở thời điểm đó, V.League có tổng cộng 12 đội. Các CLB thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm. Sau 2 lượt đi và về, HAGL của những Kiatisak, Dusit có được thành tích như trên.
Xét về cuộc đua vô địch, HAGL ganh đua với một đội tân binh khác của V.League là Gạch Đồng Tâm Long An (tiền thân của CLB Long An hiện tại). Sau 21 vòng bám đuổi, HAGL cuối cùng cũng vô địch sớm 1 vòng đấu, khi Long An chấp nhận thua cuộc ở vòng áp chót.
Về phía CLB Công An Hà Nội ở V.League 20 năm sau, đội bóng này có 38 điểm sau 20 trận. Họ thắng 11, hòa 5 và thua 4. Theo thể thức của V.League 2023, đội bóng cũng thi đấu 2 giai đoạn. Nhưng khác với 2 lượt đi và về, số trận ở mùa giải năm nay thu gọn. CLB Công An Hà Nội sau khi gặp đủ 13 đối thủ còn lại ở V.League chỉ trải qua 7 trận nữa, với 7 đối thủ thuộc nhóm dẫn đầu cùng mình.
Cuộc đua vô địch của CLB Công An Hà Nội diễn ra đến tận vòng đấu cuối cùng, thậm chí là những giây cuối cùng của mùa giải. CLB Công An Hà Nội chỉ vô địch nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại so với đội thứ 2 - Hà Nội FC (CLB có 6 lần vô địch V.League trước đó).
Tính trung bình điểm số/trận, CLB HAGL của năm 2023 nhỉnh hơn đôi chút, nhưng không quá đáng kể khi đối chiếu với CLB Công An Hà Nội.
Lực lượng
20 năm về trước, V.League mới chập chững với khái niệm chuyên nghiệp. HAGL cũng là một trong số ít những đội bóng lúc bấy giờ chuyển mình và thích ứng nhanh với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp mới. Điều đó được thể hiện ở khía cạnh chuyển nhượng. Bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức) đã giúp HAGL "thay da đổi thịt" khi đưa về CLB hàng loạt ngôi sao, từ nội binh đến ngoại binh. Ở góc độ nội binh, HAGL có Lê Quốc Vượng, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Mạnh Dũng.
Chưa dừng lại ở đó, thương vụ chuyển nhượng đình đám thuộc diện hàng đầu lịch sử V.League cũng do HAGL thực hiện. Bầu Đức sau một thời gian miệt mài thuyết phục đã được được Kiatisak Senamuang về với “Phố Núi”. Nên nhớ khi ấy, Kiatisak không chỉ là ngôi sao Thái Lan, mà tên tuổi của anh còn vượt tầm Đông Nam Á.
20 năm sau, CLB Công An Hà Nội phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách hơn khi mới lên hạng, so với những gì mà HAGL từng đối diện ở V.League cách đây 2 thập kỷ. Số lượng đội bóng chuyên nghiệp hóa đương nhiên nhiều hơn. Các CLB cũng sở hữu lực lượng mạnh với chất lượng không chênh lệch quá nhiều.
Với tham vọng mong muốn hóa rồng, CLB Công An Hà Nội cố gắng đưa về những tuyển thủ quốc gia. Ở giai đoạn 1 là Văn Đức, Văn Thanh, Tấn Tài, Văn Hậu bên cạnh các cầu thủ như Xuân Nam, Văn Vũ, Patrik Lê Giang. Sang giai đoạn 2, CLB Công An Hà Nội tiếp tục tạo nên 2 thương vụ chuyển nhượng lớn tại V.League 2023. Đó là Quang Hải và thủ môn Filip Nguyễn.
Đồng ý là CLB Công An Hà Nội đã làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng. Song đó mới chỉ là ở khía cạnh nội binh. Các ngoại binh của đội bóng ngành công an như Gustavo, Jhon Cley, Success khó có thể so bì về tên tuổi, tiếng tăm như cách mà Kiatisak khiến cả V.League chào đón như 20 năm trước. Dẫu sao, với một lực lượng mạnh CLB Công An Hà Nội vẫn có được chức vô địch ở vòng đấu cuối cùng mùa giải.
Thử thách còn ở phía trước
Rất khó để đưa ra một nhận định rằng HAGL của năm 2003 hay CLB Công An Hà Nội ở năm 2023 mạnh hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, HAGL của năm 2003 sẽ nhỉnh hơn một chút về điểm số, cuộc đua vô địch và cách chuyển nhượng.
Có lẽ, thước đo sẽ chuẩn xác hơn khi CLB Công An Hà Nội bước sang V.League 2023/24. Còn nhớ 20 năm trước, HAGL không chỉ tạo nên hiện tượng ở mùa giải đầu tiên họ lên chơi ở V.League. Bởi ngay 1 năm sau đó, đội bóng phố Núi còn giành Siêu Cúp Quốc gia, trước khi bảo vệ thành công ngôi vô địch V.League.
Liệu CLB Công An Hà Nội có thể tái lập thành tích ấy?
Bình Luận