Hủy V.League 2021: Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam

V.League 2021 phải hủy vì vấn đề bất khả kháng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ bóng đá Việt Nam.

Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 21/8, BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đồng ý với chủ trương dừng các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021, trong đó có V.League. "VFF hết sức chia sẻ với các CLB, tìm ra giải pháp tối ưu, trình BCH quyết, nhưng tinh thần của BCH là nên huỷ. Các giải pháp như thế nào thì VPF sẽ làm việc với các CLB", Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng nói.

Như vậy, sau 21 năm (2000 đến 2021) bóng đá Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đây là lần đầu tiên V.League phải hủy giải vì lý do bất khả kháng.

V.League 2021 chấp nhận hủy vì lý do bất khả kháng. Ảnh: Đình Viên.

Chia sẻ về quyết định mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam ở giải đấu chuyên nghiệp khi V.League 2021 bị hủy, BLV Quang Tùng cho hay: “Theo tôi nhớ không nhầm, bóng đá Việt Nam chỉ có kỷ luật hoặc loại một số đội vì lý do vi phạm điều lệ giải. Nhưng sau đó các đội bóng còn lại vẫn thi đấu, giải tiếp tục diễn ra đến những trận cuối cùng.

Giải VĐQG đầu tiên ở Việt Nam diễn ra từ năm 1980 cho đến thời điểm hiện tại chưa có mùa giải kết thúc sớm, dừng hay phải hủy giải cả. Tất cả các giải đều đi đến trận đấu cuối cùng tranh ngôi vô địch và xác định đội xuống hạng chiếu theo điều lệ của BTC. Nhưng theo tôi nghĩ V.League phải dừng ở thời điểm này là lý do bất khả kháng”.  

Tính theo chiều dài hình thành và phát triển của lịch sử bóng đá Việt Nam, giải VĐQG đã trải qua 38 năm (1980-2021). Từ năm 1980 đến năm 2000, giải VĐQG được Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức.

Bắt đầu từ năm 2000, bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, giải được điều hành bởi Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Sau đó giải chính thức mang tên giải vô địch Quốc gia chuyên nghiệp (V.League) với sự tham dự của các cầu thủ nước ngoài.

Từ năm 2004 đến 2021, cơ bản bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chính thức lấy tên Giải bóng đá vô địch quốc gia. Duy nhất, mùa giải 2012 đổi thành Giải bóng đá Ngoại hạng (tên tiếng Anh Super League). Tuy nhiên, sau 5 vòng đấu, giải lấy lại tên là Giải VĐQG Việt Nam (V.League). Đến mùa giải 2013, VPF thay đổi tên viết tắt của giải thành V.League 1.

Sau 38 năm giải bóng đá VĐQG được thành lập, đây là lần đầu tiên một giải đấu bị hủy. Ảnh: Đình Viên. 

Tùy vào sự phát triển của mỗi giai đoạn, bóng đá Việt Nam cũng có những tên gọi khác nhau. Cụ thể, trong giai đoạn từ 1980 đến 1996, giải VĐQG Việt Nam được gọi với hai cái tên như giải bóng đá A1 toàn quốc, giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc. Ở giai đoạn này nhiều đội bóng mạnh nổi lên như Đường Sắt, Quân đội, Công an Hà Nội, Hà Nam Ninh, Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Quảng Nam – Đà Nẵng…

Từ năm 1997 đến năm 1999 giải tiếp tục đổi tên thành Hạng nhất quốc gia. Tuy nhiên, sau 38 năm hình thành và phát triển giải bóng đá VĐQG Việt Nam chưa có có một mùa giải nào bị hủy giữa chừng.

Hai năm Giải bóng đá VĐQG Việt Nam không diễn ra là 1988, năm này Tổng cục Thể dục Thể thao tạm ngừng tổ chức giải để chấn chỉnh toàn bộ hệ thống thi đấu. Đến năm 1999 Giải bóng đá VĐQG cũng không được tổ chức và sau đó thay bằng Giải tập huấn Mùa Xuân. SLNA vô địch khi vượt qua Công Hà Nội và Công an Đà Nẵng.

Trong tiền lệ giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League) chưa từng bị hủy giải, tuy nhiên từ ngày thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) gặp khá nhiều biến cố. Ở V.League 2013, đôi bóng bầu Thủy, không phục cách xử phạt của VFF, CLB XMXT Sài Gòn chính thức bỏ giải. Điều này khiến BTC lúng túng về cách tính điểm cho các đội bóng còn lại. Đúng 1 năm sau đó, đội bóng Ninh Bình có cầu thủ dính án tiêu cực ở AFC. Bầu Trường đã tuyên bố giải tán đội bóng và bỏ giải. Đến V.League 2017, Long An phải ứng trọng tài. Các cầu thủ không thi đấu sau khi trọng tài cho đội chủ nhà TP HCM được hưởng phạt đền. Hành vi quay lưng lại không bắt penalty của thủ Minh Nhật, cầu thủ Long An đứng im để đối thủ ghi 3 bàn và phản ứng gay gắt của BHL khiến hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế vô cùng xấu xí.

    Bình Luận