Vượt qua một năm thách thức
Thống kê từ VPF, V.League 2020 đón tổng số khán giả đến xem các trận đấu là 750.900 người. Con số này dù chỉ bằng một nửa so với năm 2019. (1.307.700 người) cũng như 2018 (1.400.000 người) nhưng cần nói thêm rằng, số lượng trận đấu của V.League năm nay giảm đi gần 1.5 lần, khi dịch Covid-19 xuất hiện 2 lần ở Việt Nam, khiến giải đấu bị gián đoạn 3-4 tháng. Thậm chí có lúc, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản V.League 2020 phải dừng bước giữa chừng. Vậy nên, con số 750.900 người đến sân theo dõi các trận đấu của V.League năm nay có thể xem là thành công với BTC giải.
Chưa dừng lại ở đó, nhìn vào thống kê số lượng khán giả đến sân ở một số giải trong khu vực cũng như các giải đấu lớn hàng đầu thế giới, 750.900 người là một con số đáng mơ ước. Nhìn vào giai đoạn từ tháng 9 – 11 vừa qua thôi cũng đủ hiểu, khi mà những Ngoại hạng Anh, La Liga vẫn phải thi đấu trong tình cảnh chẳng thể đón người hâm mộ vào sân thì V.League vẫn chứng kiến những trận đấu với khoảng vài nghìn (trong sự hạn chế từ phía BTC trận đấu để tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19) người.
Thai League (giải VĐQG) Thái Lan từng so kè với Việt Nam về số lượng khán giả khi trong năm 2018 và 2019 đều đón trên 1 triệu người tới sân thì ở năm nay, họ mới chỉ đón vỏn vẹn 286.427 người sau gần một nửa chặng đường của mùa bóng. Indonesia từng là giải đấu đón khán giả đông nhất Đông Nam Á khi ở năm 2018 đạt tổng số 3.103.985 người và 2019 là 2.867.169 người thì ở năm 2020, sau 3 vòng đấu và chưa có dấu hiệu trở lại, con số này vẫn đang dừng ở mức 337.654 người được đến sân xem bóng đá.
Thành quả của những nỗ lực
Sự trở lại của khán giả ở một ngưỡng cho phép trong các trận đấu tại V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung, khi mà dịch Covid-19 đang trở thành kẻ thù của nhiều nền bóng đá trên thế giới có thể xem là một niềm tự hào, một thành quả lớn của những nỗ lực chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 trên nhiều khía cạnh.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF chia sẻ với Tạp chí Bóng đá: “Chúng ta phải cảm ơn Chính phủ, cảm ơn ngành Y tế đã dập tắt được dịch Covid-19 trong cộng đồng. Nhờ vậy cuộc sống mới trở lại bình thường, nhờ vậy bóng đá mới có khán giả đến sân cổ vũ. Một khía cạnh nữa, giải được tổ chức tốt, hấp dẫn nên càng có nhiều CĐV đến cổ cũ”. Ông nói thêm: “Hình ảnh khai mạc Cúp Quốc gia ngày 23/5/2020 trên sân Thiên Trường (giữa DNH Nam Định và HAGL - PV) chắc chắn sẽ làm nhiều người Việt Nam tự hào về đất nước mình vì đã chiến thắng Covid-19”.
Tất nhiên, bản lĩnh, sự kiên cường của VPF cũng đáng được ghi nhận. Chính việc chủ động đưa ra những phương án đối phó với từng diễn biến của dịch, chính sự kiên cường, giữ vững lập trường từ VPF trong bối cảnh một số ý kiến lung lay về khả năng tiếp tục tổ chức giải đấu đã giúp V.League đi đến hết chặng đường của mùa bóng. Và cũng nhờ vậy, giải đấu có thể nhận một cái kết có hậu, trong sự chứng kiến của người hâm mộ trên khán đài của từng trận đấu.
Các đội bóng đương nhiên hưởng lợi khi khán giả đến sân. SHB Đà Nẵng từng có thời điểm thu về hơn 400 triệu đồng nhờ bán vé. DNH Nam Định cũng nhận được một khoản tiền tương tự nhờ việc các khán giả chịu mua vé vào sân. Bản thân giải đấu cũng được nâng tầm. Nhờ vậy, theo như ông Trần Anh Tú chia sẻ: “Các nhà tài trợ cho VPF năm nay đều rất hài lòng với những gì mà VPF đã làm được cho mùa giải. Điều này làm chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhà tài trợ cho V.League mùa giải 2021”.
“Rất may khi Nam Định trụ hạng”
Đó là nhận xét của rất nhiều chuyên gia và NHM khi nói về cuộc đua trụ hạng năm nay. Sở dĩ nói thế, bởi Nam Định là đội bóng sở hữu lượng CĐV đông đảo và cuồng nhiệt nhất V.League hiện nay. Các khán đài sân Thiên Trường luôn đông kín khán giả. Trên sân khách, khán giả thành Nam cũng không chịu lép vé. Vì thế, việc Nam Định trụ hạng vào giờ chót được xem là may mắn cho các giải đấu Việt Nam. Bên cạnh CĐV Nam Định, các đội Hà Nội, HAGL, SLNA, Thanh Hóa… vẫn có lượng khán giả đông đảo.
Bán vé là thước đo
Bóng đá sẽ “chết” nếu không có khán giả. Nhưng để định lượng tình yêu của khán giả không phải bằng cách “xả cổng tự do” để giới mộ điệu vào xem. Ở V.League 2020, một số đội bóng đưa ra nhiều lý do như “tri ân” người xem nên đã mở cửa tự do.
Tuy nhiên, việc xả cổng tự do đem đến cảm giác như “món hàng” ấy bị ế ẩm. Có thể, việc bán vé không mang lại một nguồn thu đáng kể cho CLB, nhưng đó là thước đo để đánh giá tình yêu đích thực của khán giả với đội bóng mà họ đến cổ vũ. Qua đó, giới lãnh đạo CLB có thể đưa ra những phương hướng phát triển để có thể mang lại những nguồn thu. Chỉ khi người xem chấp nhận bỏ tiền túi mua vé đến theo dõi các trận đấu mới có nghĩa, hình ảnh của đội bóng là có giá trị, có sức hút.
Bình Luận