Không còn Thể Công thứ 2, chỉ có Viettel số 1

Một đứa bé sinh năm 1998 thì đến nay cũng đã là một chàng thanh niên 22 tuổi. Hỏi chàng về chức vô địch cuối cùng của Thể Công huyền thoại thì có lẽ chỉ biết than thở với Google.
Một đứa bé sinh năm 1998 thì đến nay cũng đã là một chàng thanh niên 22 tuổi. Hỏi chàng về chức vô địch cuối cùng của Thể Công huyền thoại thì có lẽ chỉ biết than thở với Google.

Một đứa bé sinh năm 2009 thì đến nay cũng chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Hỏi nó về lần gần nhất cái tên Thể Công xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam thì còn khó hơn.

Nhưng với những đứa bé sinh trước ngày 8/11/2020, chúng sẽ nghiễm nhiên là nhân chứng của một dấu mốc lịch sử: Viettel lần đầu lên đỉnh vinh quang chói lọi.

HLV Trương Việt Hoàng là viên gạch nối của mọi thế hệ được nhắc bên trên. Người đàn ông cá tính này từng là một tiền vệ máu lửa của Thể Công, giờ thì là người "thuyền trưởng" bản lĩnh của dàn lính trẻ Viettel.

Trước cuộc chiến định mệnh trên sân Thống Nhất, ông có một lời oán trách số phận: "Ở trận đấu cuối cùng với Sài Gòn FC, tôi cũng muốn như thế. Tôi muốn thắng để vô địch. Tôi không muốn lặp lại chuyện về nhì nữa (năm 2016, Hải Phòng của HLV Việt Hoàng về nhì dưới Hà Nội vì kém hơn 2 bàn thắng ở hiệu số bàn thắng bại, dù có cùng 50 điểm - PV)”.

"Chẳng lẽ cứ mãi về nhì", "là số 2" là câu nói ám ảnh không chỉ HLV Việt Hoàng mà toàn bộ những người gắn bó với màu áo lính. Không chỉ là cuộc chiến với các đối thủ như CLB Hà Nội hay Sài Gòn, Viettel còn một đối thủ khác luôn cố đè mình xuống dưới: Thể Công. Tại sao lại như vậy? Họ chẳng phải là một sao?

Đúng mà cũng sai, họ hai mà là một, một mà là hai. Thể Công trong mắt người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là thế hệ xem bóng đá giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ là một biểu tượng hằn sâu vào ký ức. Họ quá đẹp, quá mạnh, quá huyền thoại. Họ trường tồn trong ý thức, luôn bật ra trong mỗi câu nói về sự luyến tiếc ngày xưa.

Thể Công như vậy, Viettel non trẻ sẽ mãi chỉ là "Thể Công thứ 2". Họ bị đặt giới hạn bởi các đàn anh đi trước, bị kiềm tỏa bởi hào quang của năm 1998. Mong muốn được công nhận của Viettel sẽ luôn nhận những cái lắc đầu, chẹp miệng, cười ngao ngán... nếu họ không tự bứt ra khỏi vùng an toàn của mình.

Là một nhân chứng sống của hai thế hệ, chính HLV Việt Hoàng muốn Viettel đột phá giới hạn của bản thân. Họ sẽ không còn bị gọi là "số 2" nếu tự xây dựng bản sắc riêng của mình. Viettel bây giờ không còn phải lăn tăn chuyện nên hay không dùng ngoại binh, có cần tấn công bay bổng như thế hệ trước. Viettel bây giờ chiến đấu để phục vụ người hâm mộ, làm mọi thứ trong khả năng để đạt được chiến thắng.

Hòa nhập với xu hướng của thời đại chính là cách Viettel nói lên tiếng lòng của những người trẻ. Trên sân Thống Nhất, bài hát truyền thống "Hát mãi khúc quân hành" vẫn vang lên giai điệu cổ vũ quen thuộc nhưng ở dưới sân, là một lứa cầu thủ rất khác. Họ thực dụng, chắc chắn, quyết đoán và biết làm thế nào để đạt mục đích.

Kết thúc 90 phút mệt mỏi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Viettel thắng chủ nhà Sài Gòn 1-0 để bước lên đài vinh quang. Tin được không, đó là chiến thắng tối thiểu thứ 9 của họ trong mùa này. Gọi Việt Hoàng là "Jose Mourinho của Việt Nam" liệu có sai không?

"Quan trọng nhất, tôi muốn các học trò không được để thủng lưới. Họ phải chờ sai sót của đối phương để kết thúc trận đấu. Chứ thắng đậm, ghi 4 bàn chẳng hạn nhưng thủng lưới 1 bàn thì tôi không hài lòng. Đó là điều tôi xây dựng cho Viettel", đây là tuyên bố về đặc tính của Viettel trong tay Việt Hoàng. 

Cảm ơn quá khứ vì những hồi ức đẹp, cảm ơn Thể Công vì những viên gạch dựng xây, Viettel sẽ bắt tay với hiện tại để mở ra một trang mới trong tương lai. Nơi đó, người hâm mộ đội bóng áo lính có thể dõng dạc hô to: "Viettel là số 1".

    Bình Luận