Giàu truyền thống, vĩ đại nhất Việt Nam thế kỷ XX
Ngày 23/9/1954 đánh dấu một cột mốc đặc biệt. Thể Công (vốn là tên viết tắt của Thể dục thể thao công tác đội) được thành lập, theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Theo lời kể của những người tiền nhiệm, lớp cầu thủ đầu tiên của Thể Công là những chiến sỹ đá bóng. Với họ, bóng đá là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, mà cụ thể ở đây là mặt trận tuyên truyền, dân vận trong bối cảnh đất nước ở thời điểm lúc bấy giờ.
Thể Công và bóng đá không chỉ đóng nhiệm vụ là cầu nối tăng thêm tính đoàn kết dân tộc mà còn là một trong những biểu trưng cho niềm tự hào khi ra trường quốc tế. Còn nhớ những năm 1960-1970, Thể Công đã giành những chiến thắng vẻ vang và nhận được sự nể trọng của các cầu thủ quốc tế. Có thể kể đến như thắng lợi 4-1 trước Bát Nhất - đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó trước sự chứng kiến của 100.000 người xem tại Bắc Kinh. Sau đó, Thể Công còn đánh bại ĐT Cuba với tỷ số 3-2.
Những năm 1980 - 1990, giải VĐQG chứng kiến sự thống trị của Thể Công. Đội bóng áo lính liên tiếp đăng quang ở các mùa giải 1981/82, 1982/83, 1987, 1990 và 1998. 5 lần vô địch cũng là sự khẳng định cho vị thế Thể Công - đội bóng xuất sắc nhất và thành công nhất của bóng đá Việt Nam trong thế kỷ XX.
Là thế lực ở giải VĐQG, Thể Công còn sản sinh ra những thế hệ cầu thủ huyền thoại đóng góp vào thành công chung của ĐT Việt Nam trong lịch sử. Đến bây giờ, những Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Vương Tiến Dũng vẫn là tượng đài trong mắt những cầu thủ thuộc thế hệ sau. Hay như Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Đức Thắng, Đặng Phương Nam… không chỉ thành công trong sự nghiệp cầu thủ mà đến bây giờ, họ cũng mát tay trong vai trò HLV, từ những đội trẻ cho đến tầm cỡ hạng Nhất, V.League.
Lao đao ở V.League và bước ngoặt khai sinh Viettel
Thể Công là huyền thoại của bóng đá Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng thế thời thay đổi, vị thế của đội bóng áo lính cũng có lúc rơi vào thời điểm cực suy. Năm 2004, sau một vài mùa giải lao đao, Thể Công sau cùng cũng phải xuống hạng. Lần đầu tiên sau 50 năm thành lập và cũng là lần đầu tiên sau 24 năm giải VĐQG, Thể Công mới phải trải qua cú sốc lớn đến như thế. Những người trong cuộc đủ hiểu vấn đề của Thể Công khi ấy, nhưng quả thực, không ai dám nhìn thẳng vào vấn đề rằng lứa cầu thủ thời điểm ấy của Thể Công đã không còn đảm bảo chất lượng như những bậc tiền bối. Đấy là chưa kể công tác quản lý, huấn luyện cũng không phù hợp với dòng chảy của bóng đá hiện tại. Từ một đội bóng tuyên bố không dùng ngoại binh, Thể Công sau cùng cũng không thể cưỡng lại xu hướng của bóng đá chuyên nghiệp thời kỳ mới.
Thể Công nhanh chóng trở lại V.League. Nhưng họ cũng chẳng thể tạo ra được một bước nhảy lịch sử để tái hiện giai đoạn hoàng kim. Lay lắt vài năm, Thể Công sau cùng cũng phải bước đến biến cố mà chẳng ai mong muốn. Hai ngày trước khi kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn Thể thao Thể Công (22/9/2009), Bộ Quốc phòng quyết định xoá tên Thể Công huyền thoại, giao cho Tổng công ty viễn thông Viettel quản lý. Cũng chỉ trong 2 tháng sau đó, Viettel nhanh chóng bán suất ở lại V.League và chuyển giao đội hình 1 về Thanh Hoá, trong sự chán chường và bất phục của nhiều cầu thủ Thể Công lúc bấy giờ. Số cầu thủ còn lại, trong đó có Văn Quyết cũng được chuyển giao cho Hà Nội T&T, nay là Hà Nội FC.
Viettel chấp nhận đập đi làm lại từ đầu, với thế hệ tiên phong là lứa cầu thủ Bùi Tiến Dũng. 10 năm sau quyết định ấy, Viettel lên hạng V.League. Và chỉ 1 năm sau, Viettel vô địch giải đấu trong một sự ổn định và bền bỉ dưới sự chỉ đạo của HLV Trương Việt Hoàng.
Người ta có thể hoài niệm về một quá khứ lẫy lừng mang tên Thể Công. Nhưng không thể vì thế mà không công nhận nỗ lực mà Viettel, hậu duệ của họ đã làm được trong lịch sử đội bóng áo lính. Những gương mặt trẻ từ Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Đại, Dương Văn Hào, Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hoàng Đức… xứng đáng là niềm tự hào của Viettel nói riêng và bóng đá quân đội nói chung. Hiện tại và tương lai của đội bóng nhà binh do thế hệ 9x-10x này quyết định!
Kỷ lục của HLV Trương Việt Hoàng
HLV Trương Việt Hoàng là người thứ năm vô địch quốc gia trên cả hai tư cách cầu thủ và HLV kể từ khi giải VĐQG Việt Nam ra đời năm 1980, sau HLV Lê Thuỵ Hải, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng. Trong đó, HLV Trương Việt Hoàng là người trẻ nhất nhưng khoảng thời gian chờ đợi lâu nhất (22 năm). Ông Việt Hoàng cũng là gạch nối cho thành công cuối cùng của Thể Công (vô địch quốc gia năm 1998) trên phương diện cầu thủ và chiến tích đầu tiên ở Viettel (vô địch V.League 2020) với tư cách HLV trưởng.
Viettel tham dự AFC Champions League 2021
Với chức vô địch V.League 2020, Viettel sẽ là đội đại diện Việt Nam tham dự vòng bảng AFC Champions League 2021. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, một CLB của Việt Nam mới có thể tham dự vòng bảng của đấu trường cao nhất cấp CLB châu Á. Khi đó, B.Bình Dương kết thúc vòng bảng AFC Champions League 2016 với thành tích 4 điểm (một thắng, một hòa và 4 thua). Trong lịch sử, chưa có một CLB nào của Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng của giải đấu này.
Bình Luận