Mùa giải biến động và hành động của VPF

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhiều giải đấu từ Cúp QG, hạng Nhất đến V.League đã phải tạm dừng 3 lần vì dịch bệnh. Nhưng trước diễn biến phức tạp, VPF đã có nhiều kế sách để đưa mùa giải về đích an toàn.
Mùa giải biến động và hành động của VPF

Thử thách cực đại

Mùa giải 2020 khởi đi với rất nhiều tín hiệu lạc quan từ hiệu ứng của bóng đá Việt Nam. Việc ĐTQG thi đấu thành công năm 2019 kéo theo đó là sự nở rộ của nhiều ngôi sao bóng đá nội đã làm sức hút mãnh liệt cho các giải trong nước. Thế nhưng khi V.League mới bắt đầu được 2 vòng đấu, “cơn bão” dịch Covid-19 đổ bộ vào Việt Nam khiến các giải quốc nội phải tạm dừng hồi tháng 3. Lúc đó có rất nhiều ý kiến cho rằng nên hủy luôn giải đấu giống như một số giải ở châu Âu để các CLB cho các cầu thủ về nhà nghỉ ngơi, đỡ một phần gánh nặng quỹ lương. Chưa hết, đến cuối tháng 7, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại khiến các giải lại phải tạm dừng. 

Đây là thử thách vô cùng lớn với những người điều hành giải bởi khi đó dịch bệnh chưa biết đến lúc nào mới được kiểm soát để mùa giải trở lại. Hơn nữa, lúc đó FIFA, AFC, AFF chưa đưa ra quyết định tạm dừng các trận vòng loại World Cup 2022 và dời AFF Suzuki Cup sang thời điểm khác nên ĐT Việt Nam vẫn phải tập trung trong tháng 10. Đấy là thách thức lớn trong việc có tiếp tục chờ đến dịch để V.League, hạng Nhất tiếp tục, diễn ra nữa hay không. Quá nhiều những hoài nghi về mùa giải đầy biến động với bóng đá Việt Nam.

Hình ảnh 2 vạn người phủ kín sân Thiên Trường trong trận DNH.NĐ gặp HAGL đã tạo tiếng vang lớn với quốc tế - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Hành động kịp thời và tiếng vang quốc tế

Như đã nói, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại đối diện với nhiều thách thức như mùa giải 2020. Thế nhưng giữa rất nhiều chông gai, VPF và ban điều hành giải đã xử lý tình huống khá kịp thời để đưa mùa giải về đích trọn vẹn. Còn nhớ, đợt tháng 3, khi đợt dịch Covid-19 lần 1 ập đến, Ban điều hành giải đã đưa ra nhiều phương án tổ chức giải và tính dự báo rất cao về tình hình dịch. Khi dịch chưa hết, V.League, hạng Nhất đã được đưa ra phương án thay đổi thể thức thi đấu, hết giai đoạn 1 sẽ tách nhóm tranh vô địch và đua tránh xuống hạng. Phương án này nhận được sự đồng thuận cao từ các đội. 

Và khi dịch được kiểm soát, đầu tháng 6 mùa giải trở lại và Cúp QG Việt Nam đã trở thành giải đấu đầu tiên trên thế giới đón khán giả. Hình ảnh hơn 2 vạn khán giả reo hò trên sân Thiên Trường ở trận DNH Nam Định gặp HAGL đã trở thành biểu tượng, kết quả cho sự nhạy bén, tính toán kỹ càng của Ban điều hành giải. Lúc đó, hàng loạt các hãng tin quốc tế đều đưa tin về sự trở lại của bóng đá Việt Nam và sự cuồng nhiệt trên khán đài nhận được sự biểu dương cực lớn từ giới túc cầu thế giới. Chưa hết, đến đầu tháng 8, Ban điều hành giải tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi hết dịch và đến đầu tháng 9, mùa giải trở lại tạo sự hứng khởi cực lớn cho các đội bóng cũng như NHM.

Vượt qua quá nhiều thử thách, VPF và Ban điều hành giải đã cho thấy dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn có sự chuẩn bị các phương án, tính toán kỹ càng để mùa giải được hạ màn một cách an toàn, tạo được sức hút với giới mộ điệu.

3 giai đoạn V.League phải dừng vì Covid-19
Mùa giải 2020 đối diện với nhiều khó khăn khi có đến 3 lần giải đấu phải tạm hoãn vì dịch Covid-19. Đầu tiên là việc BTC phải lùi ngày khai màn mùa giải mới từ ngày 21/2 sang 7/3. Lần thứ 2 là sau khi vòng 2 kết thúc, V.League 2020 tiếp tục bị dừng theo chỉ đạo của Chính phủ. Các đội bóng nghỉ hơn 40 ngày trước khi trở lại vào ngày 23/5 với trận đấu ở Cúp QG giữa DNH.NĐ và HAGL. Lần thứ 3 giải đấu bị tạm dừng là thời điểm cuối tháng 7 khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại Việt Nam. Và sau hơn 1 tháng tạm nghỉ, V.League và các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam tiếp tục trở lại và đi đến đích một cách trọn vẹn.

Cái khó ló cái khôn
Dịch bệnh do Covid-19 gây nên đã ảnh hưởng khiến quỹ thời gian tổ chức V.League 2020 không rộng rãi khi phía trước (trước khi chưa hoãn) bị chặn bởi các trận ở vòng loại World Cup 2022 và đặc biệt là AFF Suzuki Cup 2020. Tình thế đẩy BTC vào thế cực kỳ khó khăn khi nếu giữ nguyên lịch thi đấu, mật độ sẽ rất dày đặc  với trung bình 3-4 ngày/1 trận. Thi đấu với quãng đường dài thì mật độ ấy là một cực hình, có thể dẫn đến tình trạng quá tải và chấn thương hàng loạt.

Trong thế khó ấy, BTC đã “ló cái khôn” khi phải thay đổi lịch thi đấu theo hướng cắt ngắn, chia V.League và hạng Nhất thành 2 giai đoạn để phù hợp với diễn tiến thực tế. Sự sống còn của danh vọng và số phận buộc các  đội phải chơi hết mình ở tất cả các giai đoạn. Tất nhiên, đây không phải là thể thức thi đấu mới khi đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới nhưng việc biết lượng vào tình hình thực tế, dự đoán khó khăn của chặng đường phía trước của VPF đã giúp cho V.League và hạng Nhất kết thúc trọn vẹn và an toàn.

Nhà tài trợ hưởng lợi
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tưởng như giá trị thương quyền của các nhà tài trợ các giải quốc nội sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, khi trái bóng 3 giải quốc nội Việt Nam trở lại, truyền thông khu vực, châu lục và thế giới đã liên tục đưa tin về các giải bóng đá Việt Nam. Thế nên vô tình các nhà tài trợ cũng được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều đi kèm với giải đấu. Đây là điều rất thú vị và các nhãn hàng của các nhà tài trợ xuất hiện nhiều càng đem đến hiệu ứng cao về công tác marketing.

    Bình Luận