Nhầm lẫn tai hại
Chuẩn bị rất kỹ và sớm ký hợp đồng với Olsen, trong khi Rodrigo được đánh giá là phù hợp với lối chơi khi làm tường tốt, SHB.ĐN yên tâm bước vào mùa giải với hy vọng lực lượng đánh thuê là chỗ dựa đáng tin cậy hơn so với mùa giải trước.
Bình Dương cũng nhanh chóng tậu Vua phá lưới V.League 2022 là Rimario và tiền vệ trụ Moses. Bỏ tiền đạo Pedro, nhưng Viettel vẫn giữa lại Geovane để phục vụ cho mùa giải này. HAGL vẫn tin tưởng ở Washington Brandao... Phải khẳng định rằng, tuyệt đại đa số các cầu thủ ngoại này đều đã khẳng định được giá trị năng lực của bản thân ở V.League.
Nhưng kỳ vọng rồi lại gây thất vọng não nề. Olsen chứng tỏ năng lực trong màu áo Sài Gòn, nhưng khi đến với SHB.ĐN, cầu thủ người Australia không phù hợp với chiến thuật của đội bóng bên bờ sông Hàn nên thi đấu rất mờ nhạt, buộc phải thanh lý sớm. Rodrigo đúng chuẩn chỉ làm tường khi quay lưng đánh đầu trả ngược cho đồng đội là coi như hết nhiệm vụ, đi lững thững trên sân.
Ở Bình Dương, Rimario không còn là cỗ máy ghi bàn. Trong 4 pha lập công đầu mùa, tiền đạo này giành thực hiện đến 4 quả penalty và tịt ngòi từ vòng 5 đến nay. Ngày tái hợp với Bình Dương, Moses đã không còn là chính mình như nơi từng giúp anh bay cao trước đây. Đẳng cấp của Geovane là không bàn cãi, nhưng suốt thời gian qua cầu thủ này chỉ ngồi trên khán đài xem Viettel thi đấu do dính chấn thương và đã bị gạch tên khỏi danh sách khi thị trường chuyển nhượng giữa mùa mở cửa.
Ngoại binh chiếm một nửa sức mạnh của các đội bóng. Khi ngoại binh dở, thành tích của các CLB cũng kém theo. Thực tế, SHB.ĐN đang là đội có hiệu suất ghi bàn kém nhất với chỉ 6 bàn thắng do ngoại binh không biết săn bàn. Chân sút Geovane bị chấn thương, Viettel cũng lận đận theo, thi đấu trồi trụt thất thường, không xứng tầm với một đội bóng lớn, ứng viên cho chức vô địch. Cũng như Tiến Linh, Rimario sắm vai “tàng hình” trên hàng công nên Bình Dương phải ngụp lặn ở nhóm “cầm đèn đỏ” kể từ đầu mùa...
Không nhiều gương mặt mới ấn tượng
Không chỉ sử dụng các ngoại binh đã nhẵn mặt ở V.League, nhiều đội trước mùa giải mới cũng đã tìm kiếm các ngoại binh mới. Nam Định, SLNA, Công an Hà Nội, Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng… đều tuyển chọn được lực lượng “lính đánh thuê” chưa một ngày chơi ở Việt Nam. Dù vậy, số lượng cầu thủ lần đầu tiên chơi ở V.League để lại được ấn tượng là không thực sự nhiều.
Đó có chăng là Jhon Cley của CAHN với khả năng bứt phá mạnh mẽ, làm bóng cũng tốt và dứt điểm chính xác. Một gương mặt khác đáng chú ý là Soladio của SLNA. Diallo Abdoulaye thuộc biên chế của Hà Tĩnh cũng có thể coi là tân binh gây ấn tượng. Dù vậy, họ vẫn chưa thể làm lu mờ các gương mặt ngoại đã cũ kỹ ở V.League như Rafaelson hay Mansaray khi chỉ ghi được 5-6 bàn, trong lúc số trận thi đấu đã gần gấp đôi.
Tuy vậy, không phải đội bóng nào cũng may mắn tìm kiếm được ngoại binh mới “chấp nhận được”. Nam Định là điển hình cho cơn đau đầu về lực lượng “lính đánh thuê”. Tiền vệ kỳ cựu Hendrio chơi tốt, nhưng 2 cầu thủ mới là Dominic và Nnamani chơi tệ đến nổi khán giả phải ấm ức, gửi yêu cầu buộc lãnh đạo đội bóng thành Nam phải chịu trách nhiệm và lên tiếng xin lỗi vì “chọn nhầm cầu thủ”.
Cũng vì tiền đạo quá kém, nên Nam Định càng thi đấu càng bế tắc để rồi đang rơi dần trên BXH. Khánh Hòa cũng đang thực sự đau đầu với các ngoại binh khi lực lượng này không thể làm “đầu tàu” để có thể kéo một tập thể nội ở mức trung bình.
Bình Luận