Sportradar phối hợp với VPF chống tiêu cực thế nào?
Sportradar là một tổ chức kiểm soát cá cược hàng đầu, trụ sở đặt tại Thụy Sỹ và có nhiều văn phòng ở các quốc gia trên thế giới. Đây là đối tác của nhiều nước, các giải đấu của FIFA, AFC… với khả năng nhận định các dấu hiệu bất thường, cung cấp các số liệu, bằng chứng của từng trận đấu. Kể từ mùa giải 2016 đến nay, tức là khi VPF trải qua 3 nhiệm kỳ Tổng giám đốc gồm ông Cao Văn Chóng (nay là Phó Chủ tịch VFF), ông Trần Anh Tú (Ủy viên BCH VFF, Chủ tịch HĐQG VPF hiện tại) và ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF hiện tại), Sport Radar đồng hành liên tục trong vai trò theo dõi, báo cáo xoay quanh các trận đấu tại V.League, Cúp QG hay giải hạng Nhất.
Chia sẻ với Bóng đá, Phó Chủ tịch VFF Cao Văn Chóng cho biết: “Sportradar dựa trên thế mạnh của họ về hạ tầng cơ sở dữ liệu, các nền tảng không gian mạng (facebook, zalo, viber, telegram…) và lực lượng chuyên gia về thể thao, đặc biệt là có kinh nghiệm trong phát hiện tiêu cực để tổng hợp dữ liệu và đưa ra phân tích đánh giá, cảnh báo. Có thể ví dụ thế này, Sportradar sẽ khoanh vùng hệ thống các giải đấu mà họ hợp tác, danh sách các đội bóng, quan chức, cầu thủ ở từng đội bóng... dựa vào nhiều yếu tố như: sự biến động bất thường về tỷ lệ đặt cược của trận đấu cụ thể, diễn biến, kết quả thi đấu... Nếu một trận đấu diễn ra theo hướng bất thường, họ sẽ dựa trên những nền tảng, dữ liệu đó để truy vết những giao dịch, tư liệu đáng ngờ từ các cá nhân, các CLB.
Từ đó, Sportradar sẽ báo cáo theo định kỳ hàng tuần cho đơn vị ký kết với họ, cụ thể ở Việt Nam là VPF. Việc sử dụng báo cáo đó của Sportradar để đưa ra hình thức xử lý sao cho phù hợp là do chúng ta quyết định. Sportradar cũng không làm một cách vội vàng, quá trình điều tra của họ được tiến hành từ tuần này qua tuần khác, khoanh vùng từng đối tượng trước khi đưa ra cảnh báo có sức thuyết phục, từ cấp độ ít nghiêm trọng đến cấp độ mà mức độ phức tạp, nghiêm trọng cao hơn…”
Có ích nhưng chưa phải là “cây đũa thần”
Theo tìm hiểu của Bóng đá, Sportradar từng giúp VPF phát hiện ra một trường hợp ở giải hạng Nhất cách đây vài năm có biểu hiện tiêu cực. Ngay lập tức, VPF đã làm việc với lãnh đạo địa phương nơi CLB đó hoạt động để kịp thời có phương án chấn chỉnh. Tiếp nhận thông báo từ VPF, lãnh đạo địa phương đã làm việc ngay với CLB ấy nhằm đảm bảo môi trường bóng đá sạch cho địa phương đó nói riêng và Việt Nam nói chung. Và quả thực kể từ thời điểm đó trở về sau, các trận đấu có sự tham dự của CLB này được thể hiện một cách đúng thực lực chuyên môn. Sportradar cũng không còn phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, tiêu cực nữa.
Tuy nhiên, Sportradar cũng không phải là “cây đũa thần”. Bởi thực tế, Sportradar chỉ phát huy hiệu quả trên nền tảng Internet. Họ dựa trên những tỷ lệ cược bất thường, những tỷ số có độ lệch cao hoặc phản ánh không đúng thực lực của các đội tham dự để khoanh vùng, điều tra trên không gian mạng. Nhưng như một cựu cầu thủ Việt Nam chia sẻ, nếu hành vi tiêu cực không hoạt động trên Internet mà được thực hiện qua các hình thức khác như gọi điện thoại bàn, gặp gỡ trực tiếp thì Sportradar không phát huy tác dụng như mong muốn.
Cũng chính vì thế mà bên cạnh việc hợp tác với Sportradar, VFF và VPF cũng phối hợp với lực lượng an ninh. Các CLB cũng liên tục tăng cường việc giáo dục cầu thủ nhằm nói “không” với tiêu cực trong các trận đấu. Dẫu sao, sự xuất hiện của Sportradar trong hơn 4 mùa giải vừa qua đã góp phần hữu ích để V.League, giải hạng Nhất, Cúp QG đẩy lùi tiêu cực như cá độ, bán độ, dàn xếp tỷ số.
Như Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú từng nhấn mạnh, V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung chỉ thực sự đạt chất lượng cao và tạo dựng được niềm tin nơi người hâm mộ khi và chỉ khi tất cả các trận đấu đều diễn ra minh bạch, công bằng. Có như thế, các cầu thủ chuyên nghiệp mới yên tâm sống hết mình với nghề; người hâm mộ mới tin tưởng hết lòng và nhiều nhà tài trợ mới sẵn sàng đầu tư lâu dài cho giải bóng đá số 1 của Việt Nam.
Hợp đồng giữa VPF và Sportradar hết hạn cuối mùa này
Theo Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú (ảnh), hợp đồng giữa VPF và Sportradar sẽ hết hạn vào cuối mùa giải năm nay. Ông Tú cho biết: “Chúng tôi sẽ cân nhắc trong việc gia hạn hợp đồng với Sportradar. Bởi hiện tại, nhiều đối tác có những thế mạnh hơn cũng sẵn sàng liên kết với VPF. Chúng tôi sẽ bàn bạc trước khi lựa chọn một đối tác phù hợp, qua đó tiếp tục công tác giữ V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp nói chung thực sự minh bạch”.
V.League không tiêu cực
Gần đây, tờ The Guardian (Anh) dựa trên báo cáo của Sportradar đưa tin có một số đội bóng tại Nga, Brazil, Việt Nam, Czech và Armenia góp mặt ở những trận đấu đáng ngờ. Trao đổi với Bóng đá, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú khẳng định: “Như báo cáo của Sportradar, đó là những trận đấu giao hữu. V.League hoàn toàn không có vấn đề gì. Hiện tại, Sportradar vẫn gửi báo cáo cho VPF sau từng vòng đấu. Khi phát hiện vấn đề đáng ngờ, Sportradar sẽ ghi chú và thông báo cho VPF để chúng tôi có phương án xử lý kịp thời”.
Bình Luận