Cuộc đua tìm người giữ thành
Một đội bóng thường đăng ký 3 thủ môn trong mùa giải, đặc biệt vị trí “người gác đền” số 1 và 2 rất quan trọng, với trình độ không quá chênh lệch để có thể thay nhau lúc cần thiết. Lý thuyết là vậy, nhưng ở V.League hiện nay, ngoài Sài Gòn FC có hai thủ môn Tống Đức An và Phạm Văn Phong bắt rất tốt, các đội còn lại hầu hết có sự chênh lệch lớn giữa “kép chính” và “kép phụ”. Vậy nên, vị trí thủ môn thời gian qua luôn được các CLB săn đón.
Cứ nhìn vào thị trường chuyển nhượng đầu năm nay sẽ thấy, nếu thủ thành Trần Nguyên Mạnh được Viettel “đặt hàng” và xúc tiến ký hợp đồng từ trước khi mùa giải 2019 kết thúc thì những cái tên như Nguyễn Tuấn Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Văn Hoàng… đã tạo nên cuộc đua ở các CLB với nhiều cái kết bất ngờ.
Nói đâu xa, khi Sanna Khánh Hòa rớt hạng vào cuối mùa trước và thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh cũng kết thúc hợp đồng với CLB này, nhiều đội bóng V.League đã lập tức ngỏ lời với anh như B.Bình Dương, HAGL. Tha thiết nhất có lẽ là HLV Nguyễn Văn Sỹ của DNH Nam Định. Tuy nhiên, giờ chót Tuấn Mạnh đã chọn tiếp tục ở lại với đội bóng phố Biển.
Trong khi đó, B.Bình Dương muốn trẻ hóa đội hình nên đã bỏ qua thủ môn Tuấn Mạnh, dù trước đấy họ có ý định mời anh về. Đội bóng đất Thủ cố gắng chiêu mộ thủ môn Bùi Tiến Dũng với mức lương và phí chuyển nhượng hấp dẫn. Tuy nhiên, Tiến Dũng lại chọn TP.HCM với mức lương và phí chắc chắn còn tốt hơn, nhưng quan trọng là “thầy ruột” của anh - HLV thủ môn Trần Minh Quang - cũng chọn CLB này để đầu quân.
Ngoài ra, thủ môn Nguyễn Văn Hoàng sau khi chia tay Sài Gòn FC đã chọn SLNA để khoác áo. Điều này cũng dễ hiểu, vì ngoài việc gần gia đình, Văn Hoàng sẽ có cơ hội bắt chính ở đội bóng xứ Nghệ khi thủ môn số 1 Nguyễn Mạnh đã về đầu quân ở Viettel.
HAGL sau thời gian tìm kiếm, cuối cùng cũng có được chữ ký của cựu tuyển thủ Trần Bửu Ngọc. Trong lúc DNH Nam Định đến giờ vẫn đau đầu khi chưa tìm được người có thể trợ lực cho thủ môn gạo cội Đinh Xuân Việt đã 37 tuổi. Hoặc B.Bình Dương không có được chữ ký của những thủ môn trẻ như mong muốn đành phải giữ lại “lão tướng” Trần Đức Cường.
Thủ môn giỏi hiếm, vì sao?
Có một thực tế rằng, lâu nay các CLB ít chú trọng khâu đào tạo thủ môn. Thậm chí, nhiều CLB ở V.League và hạng Nhất hiện nay vẫn chưa có HLV thủ môn đúng nghĩa.
HLV thủ môn Trần Minh Quang của ĐT Việt Nam cho biết: “Một thời gian dài, nhiều CLB và cả những Trung tâm huấn luyện trẻ đều không chú ý đến việc đào tạo thủ môn, dẫn đến việc nhiều thủ môn trẻ thường vấp phải những lỗi rất sơ đẳng. Nói đâu xa, thủ môn Bùi Tiến Dũng thường mắc phải những lỗi như thế bởi không được đào tạo bài bản từ nhỏ. Hiện tôi đang phải chỉnh cho Dũng từ những kỹ thuật rất cơ bản, nhưng thực sự cậu ấy đã lớn và lối chơi đã định hình nên cũng không thể cải thiện trong một sớm một chiều”.
Không chỉ Tiến Dũng, những thủ môn trẻ được đánh giá cao thời gian qua như Phí Minh Long (Hà Nội FC), Nguyễn Văn Toản (Hải Phòng) và cả Đặng Văn Lâm (Muangthong United) từng có sự thể hiện ấn tượng trong các màu áo đội tuyển, nhưng vẫn thỉnh thoảng mắc sai lầm đáng tiếc, qua đó phải nhận không ít chỉ trích từ dư luận, dẫu từng có lúc họ được tung hô như người hùng.
Về điều này, cựu tuyển thủ Trần Minh Quang chia sẻ: “Đôi lúc sự tung hô có phần thái quá từ dư luận dễ khiến các thủ môn bị ảo tưởng về bản thân, dẫn đến lơ là trong việc trui rèn kỹ năng. Bên cạnh đó, phải thừa nhận một thực tế là thời gian sau này, nhiều thủ môn trẻ ít chịu khó khổ luyện như lứa chúng tôi, nên việc thủ môn trẻ tài năng ngày càng khan hiếm âu cũng dễ hiểu”.
Ngoài những lý do nêu trên, cần nói thêm thủ môn là vị trí khắc nghiệt nhất trong bóng đá, nhiều người dẫu chẳng kém về chuyên môn nhưng không may mắn có thể phải ngồi dự bị cả đời. Chưa kể trong một trận đấu, các đồng đội tuyến trên có thể phạm lỗi hoặc không ghi bàn, nhưng nếu thủ môn mắc lỗi dẫn đến đội nhà bị thua, lập tức họ trở thành tội đồ và nhận vô vàn “gạch đá”. Thế nên thủ môn là vị trí ít được các cầu thủ lựa chọn nhất, ngay từ khi bắt đầu theo tập bóng đá.
Những sự cạnh tranh khốc liệt Chuyển nhượng thủ môn ở mùa giải 2020 Sạch bóng thủ môn ngoại, nhập tịch Mùa giải trước, HAGL là đội sử dụng thủ môn ngoại (Wieger Sietsma - ảnh). Nhưng ở V.League 2020, các CLB không còn cầu viện đến “người gác đền” ngoại, ít nhất là đến thời điểm này khi thị trường chuyển nhượng chưa đóng cửa. Ngay cả thủ môn nhập tịch cũng không còn chỗ đứng. Cũng dễ hiểu khi các thủ thành nhập tịch đã qua hết thời đỉnh cao phong độ, dù rằng đây là lực lượng từng một thời chiếm số lượng không nhỏ trong khung thành các CLB. HLV thủ môn cũng “chuyển nhượng” Sau khi mùa giải 2019 khép lại, rất nhiều thủ môn đã lên “sàn” chuyển nhượng. Không chỉ các trò lựa chọn bến đỗ mới, các HLV thủ môn cũng chuyển CLB. Theo đó, HLV thủ môn Trần Minh Quang đã chia tay B.BD để về làm việc tại TP.HCM. Còn ông Nguyễn Đức Cảnh nghỉ việc tại Hải Phòng để về tham gia ban huấn luyện B.BD. Trong khi đó, một cựu HLV thủ môn khác của SLNA là Nguyễn Đức Thắng chia tay ghế “lái trưởng” để chuyển sang làm GĐKT đội bóng xứ Nghệ. Có thể thấy, không chỉ các thủ môn đắt giá, được săn đón mà ngay cả các thầy của “người gác đền” cũng được các đội quan tâm, đưa về tham gia công tác huấn luyện. |
XEM THÊM
Hướng đến V.League 1 - LS 2020: Căng thẳng trên ghế huấn luyện
Hướng tới giải hạng Nhất QG - LS 2020: Khốc liệt đua thăng hạng
Bình Luận