Những thương vụ ông bầu "buông bỏ" khiến CLB V.League... đứt gánh giữa đường

Lịch sử V.League chứng kiến nhiều đội bóng bị "xoá sổ" trong tích tắc bởi một quyết định "nhấn nút" của các ông bầu.

Suốt chiều dài phát triển của bóng đá Việt Nam, người hâm mộ từng chứng kiến rất nhiều lần các đội bóng biến mất khỏi bản đồ bóng đá, đơn giản chỉ bởi ông bầu muốn buông bỏ hoặc...hết tiền. 

1. Navibank Sài Gòn 

Năm 2009, CLB Quân khu 4 giành suất lên chơi tại V.League nhưng sau khi được bàn giao cho các nhà đầu tư thì đổi tên thành Navibank Sài Gòn. Đội bóng này sở hữu nhiều ngôi sao tên tuổi lúc bấy giờ như Phan Văn Tài Em, Thế Anh, Quang Hải,... Họ lên ngôi vô địch Cúp Quốc gia mùa giải 2011 và giành quyền dự AFC Cup 2012.

Navibank Sài Gòn dừng hoạt động vì không đủ tài chính

Tuy nhiên, đội bóng này lại chỉ duy trì được vỏn vẹn 3 năm. Kết thúc V.League 2012, lãnh đạo CLB Navibank Sài Gòn bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động vì không đủ tài chính. Đáng tiếc rằng sau đó đội bóng này không có bất kì đơn vị nào tiếp nhận để tiếp tục tồn tại.

Thời điểm đó, sau khi đội bóng giải thể, một số cầu thủ đã được chuyển sang khoác áo Sài Gòn Xuân Thành thi đấu tại V.League trong mùa giải tiếp theo. 

2. Sài Gòn Xuân Thành

Cũng như Navibank Sài Gòn, CLB Sài Gòn Xuân Thành cũng chỉ tồn tại được 3 năm. Sau khi mua suất của Hòa Phát V&V và lên ngôi vô địch giải hạng Nhất 2011, đội bóng này tiếp tục chinh chiến tại V.League lần lượt với các thành tích như xếp thứ 3 tại V.League 2012, vô địch Cúp QG 2012. Đội hình của Sài Gòn Xuân Thành từng sở hữu dàn cầu thủ "khủng" là Tấn Trường, Phước Tứ, Quang Hải, Huỳnh Kesley…

Sài Gòn Xuân Thành giải thể sau 3 năm

Tuy nhiên, từ mùa giải 2013, bầu Thủy đã cắt giảm rất nhiều chi phí đầu tư cho đội bóng. Đỉnh điểm phải kể đến là sự kiện ở cuối mùa giải năm đó khi chỉ còn 2 vòng đấu nữa là kết giải đấu. Không đồng tình với phán quyết của Ban kỷ luật VFF về việc xử phạt, trừ 4 điểm do thi đấu tiêu cực trong trận đấu với Kiên Long Bank Kiên Giang, ngày 20/8/2013, chủ tịch Nguyễn Xuân Thủy chính thức ra thông báo không tham dự nốt hai vòng đấu cuối V.League 2013 và chính thức giải tán đội bóng.

Ngoài quyết định giải thể, lãnh đạo CLB Sài Gòn Xuân Thành cũng đề nghị VFF và VPF nhìn nhận lại những mặt yếu kém, hạn chế đang tồn tại trong khâu tổ chức, điều hành cũng như công tác trọng tài.

4. Kienlongbank Kiên Giang

Với chức vô địch giải hạng Nhất 2011, Kienlongbank Kiên Giang giành suất tham dự giải VĐQG 2012. Nhưng cũng như những đội bóng kể trên, họ chỉ trụ được 2 năm tại V.League. Thời điểm đó, khi mùa giải 2013 kết thúc khá lâu nhưng các cầu thủ của Kienlongbank Kiên Giang vẫn không nhận được tiền lương, thưởng cũng như phí lót tay. 

Cuối cùng, đội bóng này phải đi đến giải thể khi không còn đủ tài chính và kinh phí để duy trì hoạt động của đội bóng. Cám cảnh hơn khi sau khi nghỉ thi đấu, nhiều cầu thủ lúc đó thậm chí còn phải vay mượn và tự túc kinh phí để về quê. 

5. Hùng Vương An Giang

CLB Hùng Vương An Giang từng được đầu tư rất nhiều để chiêu mộ cầu thủ và thi đấu tại V.League 2014. Tuy nhiên, đội bóng này lại không thể trụ hạng và phải xuống chơi ở giải hạng Nhất 2015 sau thất bại trước Cần Thơ trong trận play-off cuối mùa giải.

Chỉ sau đó hơn 10 ngày, sau cuộc họp với Sở VH-TT&DL và nhà tài trợ là Công ty Hùng Vương An Giang, UBND tỉnh An Giang đã quyết định giải tán đội bóng. Nguyên nhân là bởi theo thoả thuận ban đầu, nhà tài trợ sẽ phải rót 20 tỷ đồng cho mùa giải 2014, tuy nhiên sau khi kết thúc mùa giải thì công ty Hùng Vương vẫn còn nợ đội bóng đến 10 tỷ 800 đồng.

Như vậy, CLB An Giang bị xóa sổ chỉ sau một mùa giải "nếm thử" hương vị V.League. 

6. The Vissai Ninh Bình 

Năm 2011, CLB The Vissai Ninh Bình nổi lên như một thế lực mới của V.League. Đội bóng của ông bầu Hoàng Mạnh Trường lần lượt đoạt Cúp Quốc gia, Siêu Cúp quốc gia năm 2013 và giành quyền dự AFC Cup 2014.

Bầu Trường giải tán The Vissai Ninh Bình sau án tiêu cực của các cầu thủ

Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi có đến 9 cầu thủ của Ninh Bình dính đến tiêu cực ở trận gặp Kelantan tại AFC Cup 2014. Sau đó, bầu Trường đã quyết định rút khỏi giải quốc nội và đến năm 2015 thì chính thức giải thể đội bóng, bàn giao tuyến trẻ cho tỉnh nhà. Đến thời điểm hiện tại bóng đá tại Ninh Bình vẫn chưa thể trở lại. 

7. Hoà Phát Hà Nội

CLB Hòa Phát Hà Nội xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam năm 2003. Sau 3 năm hoạt động, họ giành chức vô địch Cúp Quốc gia 2006. Tuy nhiên mùa giải sau đó, đội bóng này lại thất bại khi bị loại khỏi Cúp Quốc gia, đứng vị trí thứ 12 tại V.League và buộc phải đá trận play-off tranh vé vớt với An Giang (xếp thứ 3 giải hạng Nhất) mới có thể trụ hạng. 

Hoà Phát Hà Nội có những bất đồng với ban tổ chức trước khi chuyển giao suất V.League

Đến V.League 2008, Hòa Phát bị đánh bật xuống hạng Nhất nhưng chỉ mất một năm đội bóng này dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Vinh đã giành quyền trở lại V.League 2010. Đến V.League 2011, Hoà Phát Hà Nội lại chật vật với mục tiêu trụ hạng. Mùa giải năm đó, ban lãnh đạo đội bóng này cho rằng họ bị trọng tài thổi ép là nguyên nhân không nhỏ khiến thành tích không tốt.

Kết thúc mùa giải, đội bóng này chính thức chuyển giao suất chơi V.League đội bóng cùng thành phố là Hà Nội ACB. 

8. Hà Nội ACB

Sau Thể Công, Hà Nội ACB là đội bóng giàu truyền thống nhất của bóng đá Thủ đô bởi họ được xem là “truyền nhân” của đội Công an Hà Nội. Với sự hậu thuẫn của bầu Kiên, Hà Nội ACB cũng trải qua nhiều thăng trầm đáng nhớ.

Tuy nhiên, sau khi bầu Kiên bị bắt, đội bóng này cũng chính thức giải tán và các cầu thủ cũng đi tìm những bến đỗ mới. 

Đó là những "thương vụ" điển hình khi các ông bầu rút khỏi khiến các CLB rơi vào tình cảnh lao đao.

    Bình Luận