Gần 1 năm trước, thế giới bóng đá nhìn về Việt Nam với sự ngỡ ngàng đến kinh ngạc. Rồi, khi bóng đá Việt Nam về đích theo trạng thái bình thường mới, AFC, FIFA coi đó là một tấm gương để đại gia đình bóng đá phải học tập. Một nền bóng đá đang phát triển. Một đất nước đang phát triển. Một nền y tế và bóng đá còn nhiều hạn chế nhưng vẫn vượt lên trên định mệnh để khẳng định giá trị của mình.
Tôi tin rằng, rất nhiều nền bóng đá đã coi V.League là cảm hứng để hành động. Rằng, cái cách mà chúng ta chiến thắng dịch bệnh sẽ mang đến những bài học để họ bước tiếp trong một thế giới có nhiều thách thức. Bây giờ, những giải đấu lớn nhất thế giới đã thích ứng với điều kiện mới. Họ đã có những bước đi quy chuẩn nhằm đối phó với đại dịch. Những bộ quy tắc đã được ban hành nhằm đảm bảo rằng, Covid-19 không thể đánh bại khát vọng chinh phục của những người làm bóng đá.
Bây giờ, khi bóng đá Việt Nam bước vào năm thứ hai có Covid-19 thì kinh nghiệm của bạn bè quốc tế và cả những trải nghiệm đã có giúp ích chúng ta rất nhiều. Không còn những ý kiến thoái lui trước thách thức. Không còn sự hoảng loạn vì nỗi ám ảnh mang tên Covid-19. Điều mà những người làm bóng đá quan tâm nhất lúc này là làm sao để đến đích nhanh nhất, an toàn nhất.
Vậy nên, sự chủ động trong các kịch bản đến đích là điều rất cần kíp lúc này. Chúng ta phải chấp nhận thực tế Covid-19 sẽ không thể sớm bị triệt tiêu. Thích ứng với thách thức, đưa ra những kế hoạch phù hợp nhất, an toàn nhất, thậm chí, có bước đi khác biệt nhằm vượt qua thách thức thời cuộc. Đã đến lúc những người làm bóng đá phải nghĩ đến kịch bản V.League không thể tổ chức ở một địa phương hay vài địa phương. Đã đến lúc nhà làm giải phải đưa ra những quyết định đột phá nhằm đảm bảo rằng, dịch bệnh không thể ngăn đường V.League đến đích. Bóng đá thời hội nhập khi ấy không chỉ là sự tương tác với thế giới bên ngoài mà còn là khả năng tìm kiếm những bài học kinh nghiệm để duy trì hệ thống.
Bình Luận