Quy trình ngược của V.League

Gần 20 năm đi lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn đang băn khoăn về mô hình chuẩn của một CLB tại V.League. Chuẩn ở đây chính là việc, các CLB chưa tìm được cơ chế vận hành để hoàn thành mục tiêu tự sống bằng hoạt động bóng đá.
Quy trình ngược của V.League
Có một thực tế là các đội bóng thường đặt ra câu hỏi: Mùa giải này sẽ tiêu bao nhiêu tiền? Nhiều nhà quản lý cảm thấy vui mừng khi họ bằng nhiều cách cắt giảm được chi tiêu. Tại Việt Nam, cái gọi là “cân bằng về tài chính” vô cùng xa vời, thậm chí là không có trong sổ tay của các nhà quản lý bóng đá.

Họ không quan tâm đến việc trong một mùa giải sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Các ông bầu, hoặc những cánh tay nối dài của họ thường quen với việc, trong một mùa giải sẽ có một ngân khoản cụ thể và cố gắng chi tiêu trong số đó. Có chăng, thành công của một số đội bóng chính là việc kiếm thêm những bản hợp đồng tài trợ để giảm một phần nguồn chi từ ông bầu. Một số đội bóng hiện tại như HAGL, Hà Nội FC đã có những bản hợp đồng tương đối lớn, nhưng xét cho cùng thì vẫn không đủ để cân bằng về thu chi.

Không có khái niệm, hoặc áp lực phải kiếm tiền cân bằng tài chính nên các nhà quản lý không có nhu cầu phải thay đổi và nung nấu kiếm tiền. Họ coi đó là việc quá khó và chấp nhận trôi theo dòng chảy vốn tồn tại nhiều năm qua, đó là tiêu tiền, hoặc cắt giảm chi tiêu. Cũng chính vì điều này mà các ông bầu, các địa phương không được tiếp sức và nhiều lúc cảm thấy gánh nặng. Có người từ bỏ, có người cắt giảm đầu tư và quan trọng nhất, V.League không có nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, tăng cường đào tạo trẻ và tạo ra cơ chế để quảng bá, kiếm tiền nuôi bóng đá.
    Bình Luận