Thay đổi ngoại binh V.League giữa mùa: Cơn đau đầu khó chữa

Ngoại binh V.League thể hiện được phẩm chất như mong đợi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó cũng đồng nghĩa, nhu cầu thay thổi lực lượng “lính đánh thuê” ở các CLB vào giữa mùa là rất lớn. Nhưng khi nguồn cung khan hiếm, các HLV sẽ đối mặt với cơn đau đầu khó chữa.
Thay đổi ngoại binh V.League giữa mùa: Cơn đau đầu khó chữa

Bức tranh ảm đạm

Sau thất bại trước Sài Gòn FC, HLV Phạm Minh Đức khi còn đương nhiệm vị trí thuyền trưởng của HL Hà Tĩnh đã phải thốt lên rằng, ông sẽ bỏ cả 3 ngoại binh, đá toàn nội để đỡ tốn kém. Dễ hiểu cho sự thất vọng của vị HLV này khi ở ngay chính trận ấy, Chevaughn đá hỏng 11m còn trung vệ Kelly lại mắc lỗi nặng trong bàn thắng của Đỗ Merlo. Tình cảnh của HL Hà Tĩnh cũng diễn ra ở nhiều đội bóng khác. Sài Gòn FC là ví dụ điển hình khác khi trung Thiago quá chậm chạp, trong lúc, các tiền đạo Matsui hay Takasaki thi đấu như “tập dưỡng sinh” bởi gánh nặng tuổi tác. “Láng giềng” của Sài Gòn FC là TP.HCM cũng rơi vào “thảm cảnh ngoại binh” bởi bộ ba Junior Barros, Dario và Joao Paulo thậm chí bị đánh giá thấp hơn trình độ của tiền đạo nội ở hạng Nhất. 

Nhưng Hà Tĩnh, Sài Gòn hay TP.HCM không phải là ba đội bóng đáng quên về lực lượng “lính đánh thuê”. Gần như tất cả các đội bóng còn lại cũng rơi vào cảm giác tương tự. Rimario chỉ vài lầm hiếm hoi ghi bàn, đẩy Bình Định rơi vào thế bế tắc và dần sa vào vòng xoáy của cuộc chiến chống xuống hạng. Mansaray, Omar là những cái tên đáng thất vọng của Bình Dương. Kebe (SHB.ĐN), Diego, Fagan (Hải Phòng), Peter (SLNA)… là những cầu thủ đáng quên khác không làm trọn trách nhiệm của những ngoại binh “gánh đội” trong chặng đường vừa qua của V.League 2021. 

Liệt kê hàng loạt cái tên ngoại gây thất vọng để thấy, những gương mặt để hài sự hài lòng trong 44 cầu thủ nước ngoài đang chơi ở V.League chỉ chiếm khoảng hơn 1/3, một con số khá khiêm tốn của lực lượng được kỳ vọng là “đầu tàu” để kéo thành tích đội đi lên. Có thể kể đến số ít đáng để hài lòng như Hendrio (Bình Định), Kim Dong Su, Washington Brandao (HAGL), Rafaelson (SHB.ĐN), Konan (Nam Định), Eydison (Than.QN)… 

Tiền đạo Barros (phải) liên tục gây thất vọng trong màu áo TP.HCM	Ảnh: Đức Cường

Khó tìm lối thoát 

Khác với những mùa giải trước khi nguồn cung rất dồi dào, V.League 2021 đối mặt với khó khăn do tác động của Covid-19, khiến mọi cửa ngõ đến Việt Nam trên thế giới đều bị khép kín. Thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian nên việc đưa ngoại binh đến V.League thử việc là nước cờ mạo hiểm. Vì thế, các nhà môi giới gần như loại bỏ phương án này nếu phải qua thử việc. Đó là lý do mà các đội bóng gần như phải chấp nhận “xào đi xào lại” những gương mặt hồi đầu mùa dù đã cũ kỹ, bị các đội loại bỏ. Cũng cần nói thêm rằng, biết được tính chất “quý và hiếm” nên các cầu thủ ngoại cũng như môi giới tranh thủ “thổi giá”.

Một số đội bóng than phiền rằng trước đây, lương tháng 10.000 USD là đã hàng ngon nhưng ở mùa này, họ phải chấp nhận bỏ ra số tiền tương tự để chi cho một cầu thủ thuộc dạng “hàng dạt”. Hơn hết, trình độ của môn của ngoại binh không (còn) cao khiến cho các đội bóng phải lãnh hậu quả. Lời ca thán của cựu HLV HL Hà Tĩnh sau thất bại trước Sài Gòn phần nào phản ánh đúng thực trạng. 

Với hàng loạt ngoại binh gây thất vọng não nề sau 10 vòng của V.League 2021, nên có thể thấy, nhu cầu thay đổi ngoại binh vào thời điểm chuyển nhượng giữa mùa ở các đội là rất lớn. Nhưng khổ nổi, đầu vào ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có lối thoát. Đó là lý do mà ngay cả một đội có phương án để đưa cầu thủ từ nước ngoài sang trong đợt Covid-19 như TP.HCM cũng dè dặt, chỉ tính đến phương án “lượm lặt” những cầu thủ nước ngoài đã chơi ở V.League. Khi nguồn cung mới gần như không có thì xem ra, nhu cầu thay đổi về cầu thủ ngoại ở các đội khó có thể giải quyết triệt để. Điều đó cũng đồng nghĩa, bộ mặt của ngoại binh khó thay đổi trong chặng đường tới.  

“Bom tấn” gây thất vọng
Việc những ngoại binh chơi nổi bật được tự do sau V.League 2020 đã đẩy thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại V.League 2021 vào thế nóng bỏng. Những Bruno (Viettel), Perdo, Geovane (Sài Gòn) hay thậm chí Bruno (Hà Tĩnh)… được định giá với số tiền lớn, được coi là “bom tấn”.

Nhưng tất cả đều đã và đang gây thất vọng não nề. Geonave dường như đang lạc lõng ở Hà Nội dù đã có 4 bàn. Có thể thấy, nhiều bàn thắng của chân sút này diễn ra trong cảnh không thể dễ hơn bằng những pha chờ sẵn và đệm cận thành. Pedro về Viettel cũng chưa để lại dấu ấn nào đáng kể để xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà nhà ĐKVĐ bỏ ra. Bruno (Viettel) đến Hà Nội cũng chưa phát huy tác dụng trong lúc Bruno (Hà Tĩnh) lại như mất hút ở SLNA. 

Năng lực của các cầu thủ này đã được khẳng định nên không thể cho rằng họ dở. Dường như sự lệch pha trong chiến thuật khi đa phần đội bóng cũ đều chơi phòng ngự phản công trong lúc đội mới lại chơi theo lối áp đặt nên họ trở nên lạc lối. Chấn thương là nguyên do khác những cầu thủ này trở thành “bom xịt” trong chặng đường vừa qua. 

Văn Trâm sẵn sàng tỏa sáng ở Bình Định
Rời Viettel, tiền vệ Văn Trâm đã về đầu quân cho Bình Định từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, thời điểm đó, danh sách các đội bóng đã “đóng kín”, không kịp đăng ký tham dự giai đoạn 1 V.League 2021 nên Văn Trâm phải làm khán giả. Sang giai đoạn 2, anh sẽ có cơ hội tỏa sáng ở Bình Định. 

Sự có mặt của Văn Trâm sẽ giúp tuyến giữa Bình Định thêm phần mềm mại bởi anh có thể cầm trịch trận đấu và tạo nên nhiều pha bóng sắc bén với nhãn quan tốt của mình. Năm ngoái, Bình Định cũng có 1 tiền vệ xuất thân lò Viettel là Hữu Thắng, nhưng sau mùa 2020, Thắng “Huế” đã được triệu hồi trở lại đội bóng chủ quản.

    Bình Luận