Cũ người mới ta
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên để đưa được cầu thủ ngoại sang Việt Nam thi đấu là không hề dễ dàng chút nào. Trong bối cảnh như vậy, các CLB chủ yếu đàm phán với những cầu thủ vốn đã thi đấu ở V.League. Cách làm này sẽ rút ngắn khá nhiều công đoạn, nhất là việc có giấy chuyển nhượng quốc tế cho cầu thủ. Hơn nữa, phương án này không mất nhiều thời gian, các đội bóng chỉ việc ngắm cầu thủ nào và đưa ra điều khoản tài chính hợp lý là sẽ thành công. Viettel và Hà Nội FC đã khá nhanh chân để có được chữ ký của Pedro, Bruno hay Geovane. Cả ba đều là những chân sút đã được kiểm chứng tài năng ở mùa giải 2020 nên đương nhiên, giá trị hợp đồng sẽ cao.
Tất nhiên, để có được 3 cầu thủ ngoại tốt nhất V.League thời điểm hiện tại này thì Viettel và Hà Nội FC đã phải chi ra số tiền cực lớn. Với những đội bóng có tiềm lực tài chính ít hơn như SLNA, DNH Nam Định, Đông Á Thanh Hóa, SHB.ĐN, B.BD, Bình Định... thì sẽ tiếp cận các cầu thủ có “phân khúc” rẻ hơn. Đó cũng là lý do họ đa phần đều mua ngoại binh từ những CLB trong nước chứ không có nhân tố mới nào.
Đây là xu hướng chung và điều này phần nào hạn chế rủi ro mua phải “hàng” kém chất lượng, bởi dù gì ngoại binh của SLNA, HL Hà Tĩnh, DNH Nam Định, Đông Á Thanh Hóa, SHB.ĐN, B.BD hay Bình Định đều từng có nhiều năm chơi bóng ở V.League nên năng lực thế nào thì ai cũng biết.
Lối đi riêng tiềm ẩn rủi ro
Giữa mùa giải 2020, TP.HCM gây sốc khi chiêu mộ bộ đôi tiền đạo đến từ Costa Rica là Ariel Rodriguez và Jose Ortiz nhằm phục vụ tham vọng đua vô địch.
Hai chân sút này được quảng cáo từng khoác áo ĐT Costa Rica và có giá “triệu đô”. Tuy nhiên, họ chỉ “đẹp” ở bản lý lịch, còn năng lực thực tế thì quá kém, để rồi phải nói lời chia tay TP.HCM chỉ sau vài tháng sang Việt Nam chơi bóng. Đấy là bài học cho các đội trong việc tuyển chọn ngoại binh. Năm nay, TP.HCM tiếp tục theo đuổi phương án chỉ mua “hàng” mới, tức là chưa từng thi đấu ở Việt Nam. Và thêm bộ đôi Da Silva - Joao Paulo cập bến đội bóng Sài thành. Trong khi đó, Sài Gòn FC ngoài việc mua trung vệ từng nhiều năm thi đấu ở V.League là Thiago thì họ đã đưa về 3 gương mặt mới gồm Daisuke Matsui, Takasaki Hiroyuki và Woo Sang Ho. Một CLB nữa cũng ưa dùng nhân tố mới là HAGL khi chiêu mộ trung vệ Kim Dong So (Hàn Quốc) và tiền đạo Washington Brandao (Brazil).
Về cơ bản, các đội bóng này muốn tìm kiếm nhân sự mới để tạo làn gió, sức sống mới. Tuy nhiên, năng lực và sự phù hợp với lối chơi của các ngoại binh lần đầu sang Việt Nam vẫn là dấu hỏi lớn. Nếu các ngoại binh mới chơi xuất sắc, gánh vác được nhiệm vụ phòng ngự hay ghi bàn thì CLB sẽ thở phào. Còn ngược lại, các tân binh chơi kém thì CLB sẽ rất khó xoay trở tìm người khác thay thế, bởi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoại binh giỏi giá trên trời
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua Paulo (Viettel), Bruno, Goevane (Hà Nội FC) và Rimario (Bình Định) là những cái tên nổi bật nhất trên thị trường chuyển nhượng. Họ được các đội bóng mời đàm phán, đưa ra mức giá rất cao so với mặt bằng chung. Và không có gì lạ khi 4 cầu thủ nói trên thuộc dạng đắt giá bậc nhất tại V.League 2021.
Bình Luận