Ở địa hạt bóng đá, người Nghệ và người Thanh đã từng không nhìn mặt nhau chứ đừng nói là đầu quân cho người hàng xóm của mình. Ấy vậy mà trong vài ba năm qua, cái quy luật bất thành văn ấy đã bị đổi thay. Chiều ngày 1/4, giữa đôi bờ chiến tuyến trận derby Bắc Trung bộ, rất nhiều người Nghệ sẽ chống lại nhau.
Nước chảy về chỗ… tiền
Cái quy luật bất thành văn giữa SLNA và Thanh Hoá dĩ nhiên có nguyên do của nó. Ngày trước, sự cục bộ từng hiện diện trong lòng hai đội bóng này, tức là họ luôn đề cao tính địa phương trong bóng đá và xem như một sự hãnh diện quê hương.
Bởi vậy, suốt chiều dài từ hạng Nhất cho đến khi lên , ở xứ Thanh gần như không có cầu thủ nào từ SLNA. Theo chiều ngược lại, những người xứ Thanh cũng chẳng thấy xuất hiện ở xứ Nghệ, dù rất nhiều thế hệ sinh viên Thanh Hoá là fan của SLNA. Lý do đơn giản là họ học trường Đại học Vinh, một trong những trường đại học uy tín nhất vùng Bắc Trung bộ.
2, 3 năm đổ lại đây, sự cục bộ trong bóng đá ngày càng nhạt phai bởi sức nặng của chuyên môn và kim tiền. Hay nói vui như các cầu thủ xứ Nghệ thì “nước chảy về chỗ… tiền” nên các ngôi sao của SLNA nối gót nhau về với chốn có "lầu son gác tía".
FLC.TH dĩ nhiên là một trong điểm đến mơ ước của nhiều cầu thủ xứ Nghệ. Đó chính là lý do để Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng, Hoàng Thịnh, thậm chí ở đầu mùa bóng năm nay, Phi Sơn suýt nữa đã “nhập hộ khẩu” Thanh Hoá. Thực tế, trước Trọng Hoàng và các chiến hữu, Thanh Hoá từng có những người Nghệ trong đội hình như thủ môn Viết Nam, tiền vệ Tiến Hoài hay HLV Vũ Quang Bảo…
Tuy nhiên, do họ không để lại nhiều ấn tượng trong màu áo SLNA nên không được giới mộ điệu nhắc đến. Khi Trọng Hoàng “nổ phát pháo” chuyển về chơi cho “làng giềng”, một cột mốc mới giữa SLNA và Thanh Hoá đã được mở ra. Cũng từ đó, người ta luôn chờ một cuộc chiến tình, tiền và sự chuyên nghiệp giữa các cầu thủ xứ Nghệ ở hai bờ chiến tuyến.
Trọng Hoàng (phải) sẽ chống lại đội bóng quê hương
“Đại chiến” xứ Nghệ giữa lòng xứ Thanh
Dòng Lam đã chảy ngược ra xứ Thanh và mang theo những ngôi sao sáng của xứ Nghệ, những người đã và đang là tuyển thủ quốc gia. Nói đến đặc tính con người của hai vùng đất này, ai cũng biết, họ đều sống vô cùng tình cảm. Có đôi khi chính cái tình ấy đã chi phối trong bóng đá. Thực tế, từng có rất nhiều cầu thủ người Nghệ xin đội bóng chủ quản không ra sân để tránh "cảnh huynh đệ tương tàn".
Bây giờ thì tiền bạc phân minh, ân tình sòng phẳng, hay nói như Trọng Hoàng: “Ai nuôi sống gia đình mình, ai trả lương cho mình thì mình phải sống hết mình và trách nhiệm với họ. Ăn cây nào phải rào cây nấy! Tình cảm ai cũng có nhưng có gì sau 90 phút hãy nói chuyện. Còn trên sân, mình là cầu thủ chuyên nghiệp phải đá cho khán giả họ thương và cho đáng đồng tiền”.
Cùng được đào tạo từ một lò, cũng từng ăn tập với nhau nên hẳn Quế Ngọc Hải, Văn Khánh, Mạnh Hùng, Khắc Ngọc, Văn Đức… đã “đi guốc trong bụng” những người đồng hương ở bên kia chiến tuyến. Chắc chắn, Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng, Hoàng Thịnh cũng chẳng lạ gì các đồng môn cũ. Nhưng bóng đá là sự cộng hưởng từ nhiều mặt, vì thế so giày mới hậu xét.
Trước mắt, đừng ai hỏi thế gian tình là cái chi chi? Bởi ở thế giới phẳng, nếu chơi hay, tận hiến bạn sẽ có tất cả. Thậm chí, ngay kể cả việc bạn được cho là “Judas trong bóng đá” thì thái độ cư xử trên sân cũng sẽ khiến người ta thay đổi cách nhìn.
Sóng sau đè sóng trước Ở SLNA, sự ra đi của cầu thủ đôi khi là tạo điều kiện cho những đàn em trưởng thành. Có thể lấy ví dụ, nếu Quang Tình không đến với XSKT.CT thì Khắc Ngọc hẳn đang ngồi trên băng ghế dự bị. Nếu Phi Sơn không về CLB TP.HCM thì cơ hội khó mà đến tay Văn Đức… |
Bình Luận