Vì sao các cầu thủ CLB TP.HCM bỏ tập?
13 cầu thủ đều là các trụ cột của CLB TP. HCM quyết định không tham gia tập luyện trong buổi tập ngày 7/4. Họ gồm có Sầm Ngọc Đức, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Thắng, Phạm Văn Cường, Ngô Tùng Quốc, Nguyễn Tăng Tiến, Trần Thanh Bình, Hồ Tuấn Tài, Phạm Hoàng Lâm, Thân Thành Tín, Văn Đức, Võ Huy Toàn và Phạm Trùm Tỉnh.
Các cầu thủ ra sân tập bình thường nhưng một số mang giày, số mang dép và ngồi ngoài buổi tập. Trước đó, V.League 2012 bị hủy giữa chừng do dịch COVID-19. Tháng 2/2022, lãnh đạo CLB TP. HCM thông báo cắt giảm phí “lót tay” cho các cầu thủ thuộc biên chế CLB ở mùa giải 2021.
Các cầu thủ nhận đủ tiền “lót tay” trong giai đoạn 1 và chỉ nhận 10% giai đoạn 2, tức bị cắt giảm 90%. Đối với các cầu thủ đã nhận đủ, 90% này sẽ bị cấn trừ ở mùa giải 2022. Tuy nhiên, các cầu thủ CLB TP. HCM không đồng ý với lý do vẫn ra sân tập luyện bình thường.
Một số đã làm việc với luật sư. Tuy nhiên, trong gần 2 tháng qua, các cầu thủ cùng lãnh đạo CLB không tìm được tiếng nói chung. Đến chiều 7/4, nhóm 13 cầu thủ không tham gia tập luyện dù CLB TP. HCM có trận đấu vòng 1/8 gặp CLB Sài Gòn vào ngày 10/4.
Trong trường hợp 13 cầu thủ này không ra sân, CLB TP. HCM chỉ còn 17 cầu thủ đấu Sài Gòn FC. Họ chỉ còn đúng 1 thủ môn.
Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với Webthethao về việc không tập luyện chiều ngày 7/4, một cầu thủ CLB TP. HCM cho biết: “Chúng tôi nghỉ tập để lãnh đạo hiểu, và ngồi lại với nhau, cùng tìm tiếng nói chung”.
Cầu thủ này cho biết thêm: “Chúng tôi đã thuê luật sư làm việc. Thực tế, chúng tôi không muốn kiện tụng mà đợi mãi không thấy lãnh đạo trả lời, nên mới nhờ luật sư làm việc. Chúng tôi bức xúc vì trước đó đã chủ động giảm 50% để chia sẻ nhưng phía lãnh đạo vẫn không chịu”.
Trong khi đó, chia sẻ trên VnExpress, một lãnh đạo CLB TP. HCM cho biết, họ để luật sư để làm việc với các cầu thủ, thậm chí sẵn sàng thanh lý hợp đồng với những cầu thủ vi phạm quy chế CLB.
"Chúng tôi sẽ cho luật sư làm việc với các cầu thủ về chuyện tiền bạc. Những ai không tập luyện là vi phạm quy định của đội bóng và sẽ không được chấm công. Còn bỏ thi đấu sẽ bị kỷ luật và có thể bị thanh lý hợp đồng", vị này cho biết.
Khái niệm của phí "lót tay"
Tiền "lót tay" được hiểu là một khoản tiền câu lạc bộ trả cho cầu thủ hoặc đại diện cầu thủ để cầu thủ đó ký hợp đồng với câu lạc bộ.
Ở bóng đá Việt Nam, ngoài hợp đồng lao động, các cầu thủ còn ký thêm bản cam kết “chi phí hỗ trợ” với các CLB. Đây là một trong những giấy tờ liên quan để chi trả phí “lót tay” cho cầu thủ hay người đại diện.
Nguồn thu chủ yếu của đa số cầu thủ Việt Nam “nhờ” khoản phí này. Điều này khá khác với bóng đá thế giới.
CLB cắt giảm tiền lót tay với cầu thủ. Trách nhiệm của câu lạc bộ sẽ như thế nào? Cầu thủ có thể kiện được câu lạc bộ? Và nếu kiện thì kiện ở đâu?
Hiện Luật không có quy định cụ thể về phí "lót tay" vì vậy trong trường hợp câu lạc bộ chậm, giảm tiền lót tay cho cầu thủ thì tùy vào từng trường hợp sẽ có cách giải quyết sau:
Nếu trong trường hợp giao dịch giữa hai bên là thỏa thuận bằng lời nói mà cầu thủ không có căn cứ chứng minh về khoản chi phí câu lạc bộ phải trả và CLB phủ nhận thì cầu thủ sẽ gặp khó khăn trong việc khởi kiện vì không có chứng cứ chứng minh sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên.
Trường hợp hai bên có thỏa thuận hợp đồng:
Thỏa thuận ngoài hợp đồng lao động: Cầu thủ căn cứ các quy định về bồi thường HĐ trong Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015
Trong trường hợp phí lót tay là thỏa thuận giữa câu lạc bộ và cầu thủ bóng đá, căn cứ Khoản 3 Điều 77 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung 2018) có nêu trường hợp câu lạc bộ vi phạm trong ký kết hợp đồng bị xử phạt như sau:
"3. Câu lạc bộ, đội bóng vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng với huấn luyện viên, cầu thủ sẽ bị tạm đình chỉ ký hợp đồng với bất kỳ huấn luyện viên, cầu thủ mới nào cho đến khi việc thanh toán được thực hiện đầy đủ".
Tuy nhiên, trong Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN (sửa đổi, bổ sung 2021) không quy định về vấn đề này.
Nếu tranh chấp giữa các bên không thể giải quyết được thì theo Khoản 2 Điều 200, Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13, Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Đối với tranh chấp liên quan đến bóng đá, Điểm b Khoản 1 Điều 3 trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung 2021 quy định về cơ quan tổ chức, điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp có nêu trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:
"Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và giải quyết khiếu nại trong hoạt động bóng đá chuyên nghiệp".
Ngoài ra Căn cứ Điều 66 quy định Thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam năm 2021 (phê duyệt kèm theo Quyết định 660/QĐ-BNV ngày 26/5/2021) có nêu như sau:
"1. LĐBĐVN, thành viên, cầu thủ, HLV, đơn vị trung gian và đơn vị tổ chức trận đấu, giải bóng đá không được đưa bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bóng đá ra Tòa án nhân dân, trừ những trường hợp đặc biệt được quy định trong Điều lệ và quy định của FIFA. Mọi tranh chấp liên quan đến bóng đá đều thuộc thẩm quyền giải quyết của FIFA, AFC và LĐBĐVN.
2. LĐBĐVN có quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến các giải bóng đá do Liên đoàn quản lý, tổ chức. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế thuộc về FIFA”.
Như vậy, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa câu lạc bộ và cầu thủ, cầu thủ có thể gửi kiện lên tòa án hoặc LĐBĐVN để giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền, lợi ích và các vấn đề liên quan đến tài chính.
Việc cầu thủ công khai hợp đồng ký với CLB lên mạng xã hội, truyền thông có ảnh hưởng và bị quy kết trách nhiệm như thế nào?
Điều 358 Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 định nghĩa hợp đồng như sau:
"Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Trong hợp đồng, các bên có thể quy định cụ thể việc giữ bí mật thông tin có trong hợp đồng rằng: nếu công bố hợp đồng đã ký giữa các bên mà không được sự đồng ý của bên còn lại và gây ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường của bên đó thì bên vi phạm sẽ chịu các chế tài quy định trong hợp đồng.
Mặt khác, theo Điều 360 của bộ luật này có quy định: "Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
Đồng thời, Khoản 2 Điều 419 Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng: "2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại."
Như vậy, tùy vào trường hợp, khi cầu thủ công khai hợp đồng ký với CLB lên mạng xã hội, truyền thông gây ảnh hưởng thì các bên sẽ căn cứ vào các nội dung cụ thể quy định trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật để quy kết trách nhiệm của bên vi phạm.
Mới đây, trường hợp tương tự cũng xảy ra ở CLB Quảng Nam. Lãnh đạo CLB Quảng Nam đưa ra quyết định không trả tiền “phí hỗ trợ ký hợp đồng” (thuật ngữ đồng nghĩa với phí lót tay trong bóng đá) giai đoạn 2 mùa giải 2021 cho các cầu thủ đã hết hợp đồng và trả 40% cho các cầu thủ ở lại.
Các cầu thủ Quảng Nam phản ứng với cách giải quyết này của lãnh đạo đội bóng. Theo tìm hiểu, các cầu thủ CLB bóng đá Quảng Nam đã ký hợp đồng lao động với Cty CP đầu tư QNK Quảng Nam kèm theo một “bản cam kết” với Chủ tịch CLB. Trong “bản cam kết” thể hiện các mức chi trả “phí lót tay” theo từng đợt mà CLB phải trả cho các cầu thủ.
Trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ phía cầu thủ cung cấp thì mối quan hệ lao động giữa cầu thủ với CLB được thể hiện theo hợp đồng lao động được ký kết giữa cầu thủ với Công ty CP đầu tư QNK Quảng Nam (gọi tắt Công ty). Theo đó, chế độ lương, thưởng được quy định cụ thể tại hợp đồng và phụ lục kèm theo.
Đối với “phí hỗ trợ ký hợp đồng” (thường gọi là phí lót tay) lại không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động mà được thể hiện tại Bản cam kết được ký kết giữa cầu thủ và Chủ tịch CLB.
Mối quan hệ giữa cầu thủ và CLB được ràng buộc với nhau trên cơ sở hợp đồng lao động được ký kết giữa cầu thủ với Công ty chứ không phải được dựa trên bản cam kết giữa cầu thủ với Chủ tịch CLB.
Do đó, nếu bản cam kết này được ký kết trên cơ sở có sự ủy quyền hợp pháp từ Tổng giám đốc Công ty cho Chủ tịch CLB bóng đá Quảng Nam thì thỏa thuận theo bản cam kết có giá trị về mặt pháp lý và Công ty có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho cầu thủ.
Trong trường hợp Chủ tịch CLB bóng đá Quảng Nam không có được sự ủy quyền hợp pháp từ Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư QNK Quảng Nam để ký kết các văn bản khác với cầu thủ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động thì bản cam kết này không có giá trị về mặt pháp lý.
Nếu xảy ra tranh chấp giữa cầu thủ và CLB bóng đá Quảng Nam liên quan đến thỏa thuận trong bản cam kết về “phí hỗ trợ ký hợp đồng” thì tùy vào bản cam kết có giá trị pháp lý hay không (như đã phân tích ở trên) để giải quyết.
Theo tìm hiểu, dựa vào bản hợp đồng đã ký kết với CLB, một số cầu thủ đã có cách giải quyết song đã có người chấp nhận sự việc.
Ở trận đấu thuộc vòng 1/8 Cúp QG 2022 gặp Sài Gòn, 11/13 cầu thủ bỏ tập không được đăng ký thi đấu. Phạm Văn Cường và Hồ Tuấn Tài đã có động thái tập luyện trở lại trước đó. Cả hai đều được đăng ký thi đấu.
CLB TP. HCM hòa 1-1 ở 90 phút thi đấu nhưng thất bại ở loạt sút luân lưu và bị loại.
Bình Luận