Thủ môn Huỳnh Tuấn Linh được xem là biểu tượng của Than.QN về sự trung thành và cả sự nhiệt huyết của bản thân. Vào thời điểm này, biểu tượng của đội bóng vùng Mỏ đã là người của HAGL. Nhiều người ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: Tại sao Than.QN lại để cho một biểu tượng ra đi? Đó là một chuyện dài mà chỉ có Tuấn Linh mới hiểu, anh ra đi vì lý do gì và như thế nào? Trong sâu thẳm, tôi biết Tuấn Linh buồn vì khi anh phải rời xa đội bóng mà mình từng coi là máu mủ. Tuấn Linh có muốn không? Chắc chắn là không, song anh không còn sự lựa chọn nào khác cho bản thân.
Huỳnh Tuấn Linh như biết bao cầu thủ từng sinh ra, lớn lên, hoặc từng gắn bó đều không muốn rời Than.QN, nhưng cuộc sống bắt buộc họ phải rẽ sóng theo đường hướng mà họ không muốn. Họ ra đi vì cuộc sống “cơm, áo, gạo tiền”. Họ ra đi vì có những ước vọng, những tham vọng cho bản thân. Và đôi khi họ ra đi vì chán chường với một môi trường sống. Bóng đá chuyên nghiệp đổi thay rất nhiều thứ, từ cơ chế, từ cách vận hành, từ quan điểm…
V.League lên chuyên nghiệp và câu chuyện xã hội hóa bóng đá nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội. Xã hội hóa bóng đá thực sự là đòn bẩy giúp bóng đá Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Ở đó, có sự đồng thuận, có sự phản biện và cả những tranh cãi không thôi. Và sau mỗi câu chuyện, người ta nhận ra, để tồn tại, để phát triển, bóng đá không thể phụ thuộc vào cá nhân nào đó, bất kể đó là tỷ phú, là doanh nhân giàu có.
Bóng đá “sống” nhờ doanh nghiệp nhưng không đồng nghĩa với cuộc sống “ký sinh”. Do đó, cần trách nhiệm của cộng đồng, của từng cá nhân thay vì sự phó mặc cho tất cả.
Bình Luận