V-League 2018 đang diễn ra hết sức hấp dẫn dù cho đang có những lùm xùm ở thượng tầng, đây là một điều rất vui vì tính chuyên nghiệp của giải đấu. Càng vui hơn, khi những tuyển thủ U23 con cưng vẫn tỏa sáng và ngày càng trưởng thành hơn.

Nhìn cái cách mà Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường ở HAGL, hay Quang Hải, Văn Hậu ở Hà Nội FC, hay những Văn Đức ở SLNA, Tiến Linh ở Bình Dương, thi đấu thăng hoa là đầu tàu kéo các CLB của mình đi lên mới thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của họ là quan trọng như thế nào. Vui là bởi sắp tới họ sẽ là nòng cốt cho các cấp đội tuyển chinh chiến tại AFF cup và xa hơn Asian Cup 2019. Chưa bao giờ người hâm mộ lại đến sân nhiều đến như thế để cổ vũ cho các CLB, đây là một yếu tố hết sức tích cực để nâng tầm giải đấu, CĐV đến sân càng đông, các cầu thủ thi đấu càng hay, các cầu thủ thi đấu càng hay, càng cống hiến thì CĐV lại đến sân càng đông, đôi khi CĐV họ chẳng quan tâm đến kết quả trận đấu, họ chỉ quan tâm đến chất lượng trận đấu để thỏa mãn thú giải trí cảu mình. Thế mới thấy, dù HAGL thi đấu chật vật nhiều năm qua nhưng CĐV thì luôn đông đến mơ ước với các CLB khác, hay như SLNA, họ luôn là đội nhà nghèo, chưa bao giờ được xem là đội mạnh, nhưng chảo lửa Vinh thì chưa bao giờ nguội lạnh, tất cả là vì các cầu thủ luôn tận hiến để phục vụ người hâm mộ.
Trong thời gian gần đây, các đội bóng khác cũng đều nhìn nhận được vấn đề này ngoài việc tăng cường chất lượng đội bóng bằng các bản hợp đồng đình đám thì cũng tạo ra các hoạt động bên lề nhằm kéo người hâm mộ tới sân, như cách nguyên Quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh đã làm, hay như FLC Thanh Hóa, Hà Nội FC, hệ quả là người hâm mộ kéo đến sân đông hơn. Không khí giải sôi nổi hơn.
Nhưng…
Vâng, buồn nhất là sau chữ nhưng này.

Kéo CĐV đến sân là một chuyện, làm cho họ hài lòng, muốn mỗi cuối tuần họ háo hức đến lại là một chuyện khác. Cầu thủ thì đã tận hiến rồi, đội bóng thì ngày càng chất lương rồi, nhưng cơ sở vật chất phục vụ khán giả thì vẫn còn chưa theo kịp. Khi mới lên quyền chủ tịch CLB TPHCM, Lê Công Vinh đã làm một việc mà nhiều người lúc đó cười trừ, cho là dư thừa, đó là sửa sang lại nhà vệ sinh cho CĐV, bởi trước giờ thì chẳng mấy CLB quan tâm đến điều này. Vì hẳn nhiên rồi, có mấy ông quản lý sân, quản lý đội bóng nào mà đi vào đó để “xử lý “ đâu, nên đâu biết CĐV họ khổ sở như thế nào mỗi khi cần “giải quyết nỗi buồn” khi đến sân. Đôi khi đến sân xem đá bóng, chưa hết trận là muốn về rồi, vì để kịp “giải quyết”. Còn phòng vệ sinh ở nhiều SVĐ thì thật, rất kinh khủng. Như thể nhiều năm qua chẳng ai dọn dẹp.
Nhiều SVĐ nhà vệ sinh ổn hơn một tí thì để gửi được xe xem trận đấu thì cả là một câu chuyện gian nan, chỗ để xe chẳng có mái che, nắng mưa phơi đấy một tí CĐV cũng chẳng nói gì nhưng chỗ để xe lồi lõm, mưa xuống ngập như ao, hay nhân viên giữ xe không có ý thức trông coi, xếp xe, cả lúc vào đến lúc ra cực vất vả, nhiều khi thà ở nhà xem qua tivi hơn là cực nhọc lên sân chỉ để gửi được cái xe, gửi xong thì bực dọc, hết muốn xem. Chưa kể phí trông xe ở các SVĐ còn cao, 10.000đ – 20.000đ một chiếc, chẳng xứng với dịch vụ được hưởng.
Thường thì các trận đấu diễn ra vào chiều hay chiều tối, nên đôi khi CĐV đi làm về, hay đi công việc, tiện ghé qua xem, và giờ đó là giờ người ta đói bóng bụng, nhưng đến sân thì lèo tèo vài hàng quán nghèo nàn trong khuân viên, chủ yếu là bánh mì và các thứ fastfood, chẳng biết là chất lương như thế nào, có an toàn hay không, lỡ mà có đau bụng mà cần dùng tới nhà vệ sinh của SVĐ thì coi như mất buổi chiều húng thú. Hơn nữa nhiều SVĐ thì giá cả đồ ăn rất mắc, đôi khi thêm cả tiền nước, tiền gửi xe mất cả 100.000 để xem một trận đấu. Nhiều lần đến sân ngán ngẩm. Lại chuyện nước, có một cái rất hay là hầu hết các SVĐ đều không cho CĐV mang chai nước vào sân vì lí do an ninh, thế là sinh ra cái dịch vụ bán ly nhựa để được mang nước vào. Tạo ra một đống rác nhựa nữa, sau mỗi trận đấu phải dọn dẹp. Nhưng nhiều trận đấu vẫn thấy chai nhựa ném xuống sân khi CĐV kích động, vậy chai nhựa ở đâu ra? Thì ra là trong trận diễn ra vẫn có vài người bán hàng rong, mang nước đóng chai vào bán, chào mời khắp khán đài, phiền hà vô kể. Họ mang vào bằng cách nào không ai biết, ngay cả CĐV khi vào còn bị xét túi xách để chắc không mang vào được. Thế là nhiều khi ấm ức không sao được vì trước đó vừa phải cố uống cho hết chai nước lỡ mua ở ngoài sân để được vào khán đài, thì giờ trước mặt nghênh ngang có người bán. Chỉ biết cười trừ.

Trên đây chỉ là một số chi tiết rất nhỏ nhưng quan trọng, mà các ban lãnh đạo của các đội bóng có thể làm để cải thiện lượng khán giả đến sân và ở lại với đội bóng. Sẽ chẳng có CĐV nào phàn nàn về việc có một chỗ để xe hợp lý, một khu ăn uống đảm bảo cạnh khu bán đồ lưu niệm của CLB, hay một nhà vệ sinh “đạt chuẩn” sạch, dù cho giá dịch vụ cao một chút, vì khi đến để giải trí thì miễn sao vui, thoải mái là được. Một chiếc bánh ngon thì ngoài việc có cái nhân ngon thì cũng cần bao bì đẹp, tiện lợi và nơi bán đảm bảo. Một trận đấu hay cũng vậy, trên sân hay rồi thì trên khán đài cũng cần thoải mái để thưởng thức được cái hay trọn vẹn. Muốn chuyên nghiệp mà từ khâu đầu vào đã tạm bợ thì biết đến chừng nào mới nâng tầm nổi. Các CLB cứ than là không có CĐV đến sân để tạo thu nhập cho đội bóng, nhưng thử như thế này thử xem. Làm một khu ăn uống đảm bảo, fastfood cũng được, mấy món đặc sản của vùng thì càng tốt, nhà để xe đoàng hoàng lên một tẹo, sắp xếp hợp lí lại, rồi tu trang, giữ nhà vệ sinh sạch đẹp sau một mùa xem CĐV có tăng lên không, có tăng chi tiêu khi đến sân không? Ở nước ngoài, đó là cách mà nhiều đội bóng thu hút vốn xã hội để cùng phát triển đội bóng, bên cạnh bán quà lưu niệm áo đấu, hay các tour tham quan SVĐ trải nghiệm, bóng đá màn hình lớn ở các sảnh có phục vụ ăn uống. Ở đấy SVĐ còn là chỗ giải trí thường ngày chứ không phải là chỉ cuối tuần như ở Việt Nam. CĐV là vô hạn, vốn xã hội là vô tận. Thậm chí ở nước ngoài, nhiều gia đình có truyền thống yêu mến một CLB nào đó, đơn giản là vì lũ trẻ được các ông bố, bà mẹ, thường xuyên cho đi cùng đến xem các trận đấu, hay giải trí ở ngoài sân, tình yêu đội bóng cứ thế được hun đúc dần.
Đôi khi tôi từng nghĩ, CĐV nhà mình đôi lúc còn thấy phiền như vậy, không biết CĐV các đội bóng nước ngoài đến cổ vũ cho đội nhà thi đấu họ nghĩ gì? “SVĐ Việt Nam là như vậy đó”,” đây là giải đấu chuyện nghiệp của quốc gia mới có U23 làm nên kì tích đây sao?”.
Tự dưng chạnh lòng quá!
T KHÓA: V.League
Bình Luận