Văn hóa ứng xử với trọng tài

Trọng tài là câu chuyện biết rồi, nói mãi của bóng đá Việt Nam. Câu hỏi làm sao để chuyên môn của những ông “vua áo đen” tốt hơn vẫn đang khiến các nhà tổ chức trăn trở. Dẫu vậy, cũng cần phải nhìn nhận đúng đắn và có sự khách quan, đặc biệt là văn hoá ứng xử văn hoá trên sân cỏ với trọng tài của các đội bóng.
Văn hóa ứng xử với trọng tài

Thực tế, công tác trọng tài ở các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam vẫn còn có những sai sót, gây tranh cãi. Có những tranh cãi làm dậy sóng dư luận, thậm chí gây ra các cuộc “khẩu chiến” trên cộng đồng mạng. Để mổ xẻ những nguyên nhân khiến công tác trọng tài chưa đáp ứng như sự kỳ vọng thì có quá nhiều vấn đề đáng được phân tích.

Chẳng hạn, số lượng trọng tài chuyên nghiệp hiện nay đang quá mỏng. Trọng tài chuyên môn tốt đang dần lớn tuổi, trong khi lực lượng kế cận chưa có nhiều kinh nghiệm để chịu được áp lực căng thẳng từ các trận đấu ở các giải chuyên nghiệp. Ở mùa giải 2020, khá nhiều trọng tài trẻ được phân công làm nhiệm vụ và những nỗ lực của họ là rất lớn. Tuy nhiên, một số trọng tài đã bị áp lực tâm lý khi cầm còi trong những trận đấu được cho là nhạy cảm.

Bên cạnh đó, sự thay đổi lịch thi đấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng khiến trọng tài gặp khó khăn về thể lực cũng như sự tập trung chuyên môn. Một số đội bóng thường xuyên có những động thái phản ứng, gây áp lực với trọng tài chỉ vì những võ đoán cho rằng “trọng tài A có vấn đề tư tưởng”. Ở khía cạnh nào đó, có thể hiểu sự phản ứng ấy đến từ lãnh đạo, BHL, cầu thủ và các CĐV khi thành tích của họ không được như ý.

Trọng tài bị cầu thủ phản ứng trong trận Nam Định - Hải Phòng tại V.League 2020 - Ảnh: Minh Tuấn

Tuy nhiên, đã có tiền lệ rất xấu tạo ra khi một vài đội bóng, cá nhân có những hành động công kích trọng tài theo kiểu “đám đông”. Văn hoá ứng xử trọng tài Việt Nam đáng được rung lên hồi chuông báo động. Chắc chắn, một nền bóng đá muốn vững mạnh thì cần nhìn thẳng vào những yếu kém. Công tác trọng tài không nằm trong “vùng cấm” và chính các nhà tổ chức cũng nhìn nhận những nhược điểm cần khắc phục. Dẫu vậy, những người tham gia cần có những ứng xử văn minh trên sân cỏ, vốn dĩ cũng là lý do rất lớn tạo ra  những áp lực cho các trọng tài.

“Ban trọng tài chắc chắn sẽ phải nâng cấp để cải thiện hình ảnh trọng tài. Việc phân công trọng tài cũng phải có sự tính toán hợp lý. Đây là quá trình, không giải quyết ngay được. VPF luôn phối hợp, hợp tác với Ban trọng tài. Chúng tôi hy vọng chất lượng trọng tài sẽ tốt lên để giảm thiểu sai sót ở những mùa giải tới”, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF kỳ vọng vào sự tốt dần lên của các trọng tài khi không ngừng được rèn giũa, nâng cao chuyên môn trong các đợt tập huấn.

Tựu trung lại, các giải bóng đá Việt Nam đang dẫn được hoàn thiện về mọi mặt. Công tác trọng tài đang được chú tâm hàng đầu, bởi nó quyết định rất lớn đến sự thành bại của các giải đấu. Khi chúng ta đang cố gắng phát huy, tận dụng, trao cơ hội cho những nguồn lực triển vọng thì những sai số là điều khó tránh khỏi. Cho nên, nếu có thể, hãy nhìn những sai số đó theo lăng kính thuần tuý chuyên môn và có những ý kiến xác đáng để công tác trọng tài được ngày càng tốt dần lên.

    Bình Luận