Vì sao trái bóng phải quay?

Trước những khó khăn thời cuộc, nhiều người đưa ra ý kiến, nên chăng dừng cuộc chơi, chờ đến hết dịch thi đấu. Có ý kiến khác lại bảo, hãy coi quãng nghỉ hiện tại là cơ hội để làm mới sân chơi, tiến đến mô hình của những nền bóng đá phát triển.
Vì sao trái bóng phải quay?

Nhưng phần đa ý kiến, nhất là các nhà quản lý, những ông chủ thật sự và bản thân các cầu thủ lại muốn trái bóng phải quay, V.League phải trở thành điểm sáng chống dịch và sự kiên định trong điều hành bóng đá.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà quản lý nhận được đề xuất dừng cuộc chơi, hay chấp nhận đá bóng nhưng không có đội xuống hạng. Cách đây hơn chục năm, khi nền bóng đá bị tấn công bởi cơn bão tiêu cực, rồi những cuộc khủng hoảng về tài chính khiến giải đấu rơi rụng đi nhiều đội bóng, thậm chí có cả những cái tên đã đi vào huyền thoại. Công An Hà Nội, Công an TP.HCM được chuyển giao rồi sau đó những phiên bản mới ấy cũng biến mất khỏi bản đồ bóng đá. Sốc và luyến tiếc nhất chính là việc cái tên Thể Công được đưa vào viện bảo tàng sau mùa giải 2009 và mất đúng một thập kỷ, Viettel, lớp hậu duệ của đội bóng áo đỏ mới tìm được đường về V.League. Và trong 10 năm ấy, không ít lần người ta tính chuyện giải tán “phần còn lại” của Thể Công.

Giữ mới khó, dừng lại để rồi đánh mất luôn cơ hội tồn tại và phát triển thì thật dễ. Những ông chủ thật sự, những người nuôi bóng đá bằng chính mồ hồi, nước mắt và tiền bạc của mình sẽ không dễ dàng nói chuyện nghỉ chơi. Với họ, bóng đá là cuộc sống, là tiền bạc, là chiêu thức kinh doanh. Và chẳng ai dám chắc, nếu V.League dừng lại dù chỉ là nửa năm thì khi trở lại, hệ thống vốn chưa hề vững chắc còn tiếp tục tồn tại hay không? Nên nhớ rằng, chúng ta chưa có được một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự. Những hoạt động của bóng đá Việt Nam chưa nuôi nổi chính mình. Và khi nhịp vận động bị chặn đứng, dòng tiền bị ngưng trệ, các nhà tài trợ thôi cam kết đồng hành thì chẳng hiểu điều gì sẽ xảy ra với V.League.

Vì sao trái bóng phải quay? Vì chính những người trong cuộc. Vì chính nền bóng đá vốn vẫn đang tồn tại rất nhiều điểm cần hoàn thiện. Và vì cả đội tuyển vốn đang cần một môi trường đầy tính cạnh tranh để chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Vậy mới nói, cái mà bóng đá Việt Nam cần nhất lúc này chính là những hành động thực tế, trách nhiệm, thậm chí hy sinh quyền lợi bản thân vì đại nghĩa chứ không phải sự hoài nghi, toan tính cho mục tiêu cá nhân nào đó.

XEM THÊM

HLV Mai Đức Chung hạ Thái Lan bằng con bài tẩy

Văn Hậu có được dự AFF Cup và SEA Games nếu ở lại Heerenveen?

Một loạt đối thủ của Việt Nam ‘buông súng’ trước AFF Cup 2020

    Bình Luận