Mọi quốc gia đều chờ đợi thời kỳ cơ cấu dân số vàng để tạo nên bước đột phá mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế. Với V.League nói riêng, mùa giải 2018 cũng chứng kiến sự chớm nở về giai đoạn “dân số vàng”, khi các đội bóng đều sở hữu lực lượng trẻ trung bước vào giai đoạn chín của sự nghiệp thi đấu.
Thời kỳ 10 năm có một của V.League
Có thể khẳng định, “dân số vàng” là thời kỳ mà mọi quốc gia trên thế giới đều khao khát. Bởi đó là cơ hội hiếm gặp với chu kỳ xuất hiện kéo dài tới 30 - 40 năm/lần trong lịch sử. “Dân số vàng” là giai đoạn mà một đất nước sở hữu tỷ lệ dân số lao động ở một ngưỡng lớn, chiếm từ 60-70% tổng dân số một quốc gia. Nhờ vậy, nó trở thành đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ về phát triển kinh tế, giúp quốc gia có những bước nhảy vọt đầy ấn tượng trên bình diện khu vực, châu lục đến toàn cầu.
Nói riêng với môn bóng đá mà cụ thể là V.League, cũng đã hơn 10 năm kể từ thế hệ Minh Phương, Tài Em, Hồng Sơn, Công Vinh, Tấn Tài, Vũ Phong..., bóng đá Việt Nam mới tiếp tục chào đón một giai đoạn “dân số vàng” với nhiều tín hiệu lạc quan đến như vậy. Nhà báo Michael Caley viết trên ESPN chỉ ra rằng, giai đoạn bắt đầu cho đến đạt ngưỡng đỉnh cao phát triển của cầu thủ (tùy vào các vị trí trên sân như thủ môn, hậu vệ, tiền vệ trung tâm, tiền vệ cánh, tiền đạo…) dao động ở ngưỡng từ 23 đến 28 tuổi.
Ngưỡng tuổi mà người ta vẫn gọi là giai đoạn từ bắt đầu chín cho đến đỉnh cao trong sự nghiệp cầu thủ ấy đang xuất hiện với tỷ lệ lớn trên bình diện 2018 tới đây. Thống kê hiện tại, tức là chưa khép lại kỳ chuyển nhượng trước mùa bóng, chỉ ra rằng, có tới 51% số cầu thủ của V.League ở độ tuổi 23-28. Trong khi đó, các tài năng trẻ ở độ tuổi 17-23 được đăng ký vào đội 1 hiện tại ở các CLB cũng đạt ngưỡng 32%. Các cầu thủ lớn hơn 28 tuổi ngày càng thưa thớt hơn (tỷ lệ 19% ở V.League). Ngoại trừ ĐKVĐ Quảng Nam FC chiếm gần quá bán với 12-14 cầu thủ ở độ tuổi cao thì phần lớn các đội còn lại chỉ duy trì tỷ lệ 1/3 hoặc 1/4 giữa nhóm cầu thủ trên 28 tuổi với phần còn lại của đội bóng. Thậm chí, những đội như Hà Nội FC, SLNA hay HAGL còn giữ lại rất ít các “lão tướng” ở mùa giải năm nay.
Cơ hội và thách thức
Nếu như thời kỳ “dân số vàng” trở thành cơ hội tăng trưởng mạnh về kinh tế của một quốc gia, thì với bóng đá, “dân số vàng” hứa hẹn tạo ra một giải đấu giàu tính cạnh tranh, ấn tượng về chuyên môn, thu hút nguồn lực tài trợ, người hâm mộ và đặc biệt trở thành một “mỏ quặng” giàu tiềm năng phục vụ cho mọi cấp độ đội tuyển.
Sở dĩ gọi V.League 2018 chỉ là khởi đầu cho sự bùng nổ “dân số vàng” là bởi, như phân tích kể trên, những cầu thủ trẻ được đánh giá là rường cột tương lai của bóng đá nước nhà như Công Phượng, Xuân Trường, Đức Huy, Văn Đức… đang ở ngưỡng sát với tuổi 23. Họ cần thêm một mùa giải mang tính chuyển mình nữa để tạo nên bước nhảy vọt lớn trong sự nghiệp quần đùi áo số. Khi ấy, những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... sẽ cùng với các cầu thủ đã bước vào giai đoạn chín đến chín nhất như Ngọc Hải, Phi Sơn, Minh Tuấn, Hoàng Thịnh hay Văn Thắng tạo nên một V.League không chỉ có sức hút bởi các cái tên mà còn giàu tính chuyên môn, cạnh tranh và hấp dẫn.
Tất nhiên, guồng quay của bóng đá diễn ra nhanh và chóng mặt hơn nhiều so với bình diện xã hội. Thời kỳ “dân số vàng” của V.League cũng sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 4-5 năm trước khi chờ đợi một thế hệ tài năng khác. Bởi không phải lúc nào bóng đá Việt Nam cũng sản sinh ra những cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Ngọc Hải, Quang Hải, Văn Hậu… Tận dụng nguồn tài nguyên quý thế nào, khai thác tiềm năng các cầu thủ ra sao để tránh bị lãng phí là bài toán đặt ra cho tất cả.
V.League 2018 là giai đoạn chớm nở, để mọi CLB và cả giải đấu chuẩn bị một cách chuyên sâu cho thời kỳ bùng nổ “dân số vàng” ở ngay phía trước.
TỪ KHÓA: V.LeagueQuảng Nam FCNguyễn Công PhượngLương Xuân TrườngĐức HuyPhan Văn ĐứcVăn Nguyễn Văn ToànBình luận Bóng đá Việt Nam
Bình Luận