Đơn cử như trong trận đấu giữa Hà Nội và HAGL mới đây, khi tỷ số đang là 0-0, nếu trọng tài quyết định thổi phạt Duy Mạnh vì lỗi giẫm chân đối thủ trong vòng cấm để HAGL có một quả 11m thì chưa chắc đội bóng Phố Núi phải nhận thất bại 1-2 để rồi bị đối thủ đào sâu cách biệt trong cuộc đua vô địch.
Dù vậy, ở một chừng mực nào đó thì cũng thông cảm cho lực lượng “vua áo đen” bởi tất cả các quyết định của họ trên sân cỏ Việt Nam vào thời điểm hiện tại đều đến từ sự nhận định trực quan bằng mắt thường, không được hỗ trợ bằng một công cụ nào khác ngoại trừ các trợ lý trên sân nếu như những người chạy biên tham gia vào tình huống bóng ấy. Do V.League 2022 vẫn tiếp diễn khi các trận đấu vẫn diễn ra hàng tuần, không có quãng nghỉ dài dù đã hết lượt đi nên công tác họp, đánh giá, rút kinh nghiệm của lực lượng cầm cân nảy mực trên sân vẫn chưa tiến hành. Có lẽ phải đợi khi V.League tạm dừng để dành thời gian cho ĐT Việt Nam tham dự các trận đấu thuộc FIFA Days thì lực lượng trọng tài mới có dịp ngồi lại cùng nhau để nhìn lại quá trình điều hành các trận đấu ở hạng Nhất và V.League vừa qua để có thể rút kinh nghiệm với hy vọng có thể thể hiện hình ảnh tích cực hơn trong chặng đường sau đó.
Đây là cuộc họp được kỳ vọng của NHM, giới chuyên môn đối với lực lượng trọng tài. Nhưng thẳng thắn mà thừa nhận, dù “vua áo đen” ở V.League và hạng Nhất có họp rút kinh nghiệm giữa giai đoạn đi chăng nữa thì cũng chưa chắc chuyện sẽ không nhận phải những phản ứng trái chiều ở chặng đường phía trước trong các tình huống tranh cãi và cũng không có gì đảm bảo lực lượng “vua áo đen” sẽ không để xảy ra sai sót như chặng đường vừa qua. Bởi như đã nói, trọng tài là người thường nên một khi vẫn phải đưa ra quyết định trong các tình huống 5-5 thì rất khó để đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Tranh cãi về quyết định của trọng tài không chỉ ở V.League hay hạng Nhất của bóng đá Việt Nam mà trên toàn thế giới. Cuộc “tấn công” vào lực lượng trọng tài chỉ giảm đi khi FIFA sử dụng VAR. Với công nghệ hỗ trợ video khi trọng tài có thể xem đi xem lại nhiều lần một tình huống để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định giúp cho quyết định của trọng tài trên sân có độ chính xác cao hơn. Người xem cũng vì thế thỏa mãn hơn dù rằng chưa chắc đã phục với quyết định của trọng tài sau khi xem lại VAR, nhất là đội bóng bị chịu thiệt.
Thực ra, VAR từng là một ý tưởng rất tốt đẹp được VPF đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện. Lãnh đạo đơn vị này cũng ý thức được rằng chỉ có VAR mới có thể giúp cho các quyết định của trọng tài trở nên chính xác, đảm bảo sự công bằng hơn. Tuy nhiên, kế hoạch ấy cho đến nay vẫn chưa thể triển khai bởi liên quan đến nhiều vấn đề như tài chính, kỹ thuật… Nói cách khác, VAR vẫn là niềm mơ ước của V.League cũng như rất nhiều giải bóng đá trên thế giới. Một khi trọng tài của chúng ta chưa giỏi thì chỉ có nhờ hỗ trợ của VAR, tranh cãi mới dịu đi đôi phần. Bằng không, mũi dùi vẫn hướng về lực lượng điều khiển trận đấu một khi họ đưa ra những quyết định theo đánh giá chủ quan của mình trong các tình huống nhạy cảm.
Bình Luận