V.League 2022: Mùa mua sắm kỳ lạ

Lịch sử V.League hiếm khi nào chứng kiến những “bom tấn” xuất hiện ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa. Thế nhưng tại V.League 2022, hai bản hợp đồng lớn mang tên Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm đồng loạt “nổ” ở ngay kỳ mua sắm giữa hai giai đoạn của mùa bóng.
V.League 2022: Mùa mua sắm kỳ lạ

Việt kiều tạo nên điểm nhấn 

Càng về thời điểm cuối của kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải (từ 21/7 đến 17/8), V.League lại càng chứng kiến một số vụ mua sắm đầy bất ngờ và thú vị. Ấn tượng nhất phải kể đến sự trở lại của hai gương mặt Việt kiều từng tạo nên dấu ấn tại V.League trước kia. Đó là Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm. 

CLB TP.HCM, đội bóng không tạo nên cú “áp phe” nào trong giai đoạn đầu mùa giải đã bất ngờ khuấy động thị trường chuyển nhượng giữa hai giai đoạn bằng việc thuyết phục Lee Nguyễn trở lại sân Thống Nhất. So với thời điểm 1 năm về trước, khi sẵn sàng trả mức lương xấp xỉ 1 tỷ đồng/tháng cho cầu thủ Việt kiều nổi tiếng nhất lịch sử thì ở lần tái hợp này, CLB TP.HCM được cho rằng đã tiết chế hơn về mức đãi ngộ đối với Lee Nguyễn. Dẫu sao, việc thuyết phục được tiền vệ 35 tuổi từ chỗ quyết định giải nghệ cách đây không lâu có thể trở lại sân cỏ và quay về Việt Nam chơi bóng cũng là nỗ lực đáng ghi nhận đối với CLB TP.HCM. 

Một tuần sau thương vụ bất ngờ và nổi đình nổi đám ấy, V.League lại chứng kiến thêm một “bom tấn” khác. Bình Định, CLB đã chi gần 100 tỷ đồng cho thị trường chuyển nhượng từ đầu mùa giải, tiếp tục tạo thêm tiếng vang ở kỳ mua sắm giữa hai giai đoạn. Đặng Văn Lâm, thủ môn Việt kiều đang là người gác đền số 1 của đội tuyển Việt Nam đã được Bình Định chiêu mộ từ Cerezo Osaka của Nhật Bản. 

Lee Nguyễn đã được mời trở lại để vực dậy CLB.TP.HCM - Ảnh: Đức Cường

Theo giới thạo tin, Bình Định có thể phải chi ra hơn 1 tỷ đồng để mua phần còn lại hợp đồng giữa Cerezo Osaka và Văn Lâm (còn 5 tháng nữa). Thêm vào đó, đội bóng đất Võ cũng đã thuyết phục Văn Lâm với mức lương lên đến gần 400 triệu đồng/tháng, qua đó biến anh trở thành một trong những nội binh hưởng chế độ cao nhất lịch sử V.League. 

Thay đổi ngoại binh và mượn nội binh 

Thực tế nhiều mùa giải V.League đã qua, kỳ chuyển nhượng giữa mùa thường chỉ chứng kiến những ngoại binh được thay đổi tại các CLB. Một số nội binh đóng vai trò dự bị được sang CLB khác theo diện cho mượn để tích lũy kinh nghiệm. Vậy nên, việc hai gương mặt Việt kiều từng tạo nên sự chú ý ở V.League trong quá khứ như Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm đã đem đến sự sôi động hiếm thấy cho “phiên chợ giữa dòng” của V.League. 

Quay lại những “mặt hàng bình dân” hơn ở kỳ mua sắm này, V.League 2022 cũng chứng kiến một số thương vụ đáng chú ý. Hà Nội FC quyết định thay 2 ngoại binh với hy vọng chinh phục chức vô địch V.League. Tonci Mujan, cựu tiền đạo U19 Croatia sớm chứng tỏ khả năng hòa nhập với đội bóng thủ đô bằng 1 bàn thắng và 1 đường kiến tạo. Ngoài gương mặt này, Hà Nội FC cũng ký ngắn hạn với Lucas Silva. Song song với đó, Hà Nội FC cũng có một bản hợp đồng quan trọng không khác gì chiêu mộ “bom tấn”. Đó là việc gia hạn hợp đồng với Thành Chung thêm 3 năm với mức lót tay 10 tỷ đồng. Việc giữ chân Thái Quý trước đó cũng là cách để đội bóng thủ đô củng cố nhân sự. 

Hà Nội FC gọi, HAGL cũng lập tức trả lời. Đội bóng phố Núi vừa chiêu mộ thành công ngoại binh Bruno Henrique, chân sút từng ghi 9 bàn thắng ở V.League 2 năm về trước. Việc có thêm một trung phong có thể hình, dứt điểm đa dạng và sắc bén cũng là minh chứng cho tham vọng của HAGL trong cuộc đua vô địch với Hà Nội FC hay SLNA, Bình Định mùa này. 

Ở nửa dưới BXH, Nam Định cũng chiêu mộ thành công ngoại binh kỳ cựu Andre Fagan. Kinh nghiệm thi đấu dạn dày kéo dài 1 thập kỷ ở V.League đến từ Fagan sẽ tiếp thêm hy vọng cho mục tiêu trụ hạng mùa này mà Nam Định hướng tới. 

>> Danh sách chuyển nhượng giữa mùa V.League 2022

Những đội bóng nói “không” với chuyển nhượng
Theo thống kê sơ bộ, có 10/13 đội bóng đã thay đổi ngoại binh khi thị thường chuyển nhượng giai đoạn 2 của V.League 2022 mở cửa. Thậm chí như SHB Đà Nẵng đã thay cả 3 ngoại binh vì ở lượt đi, những cầu thủ này đã chơi kém hiệu quả. Một vài đội khác phải thay đổi một cách bất đắc dĩ do các ngoại binh bị dính chấn thương. Số còn lại đều “thay tây” với tham vọng nâng cấp độ hình trong cuộc đua vô địch và cả chống xuống hạng. Những đội bóng còn lại như Viettel, Bình Dương, Hải Phòng gần như không có sự xáo trộn về lực lượng. Hoặc có như Hải Phòng chỉ chiêu mộ trung vệ Đặng Văn Tới từ Hà Nội FC. Nguyên nhân những cái tên vừa kể nói “không” với việc chuyển nhượng là họ có sự ổn định về ngoại binh cũng như cầu thủ nội. Cũng có một nguyên nhân khác, những đội bóng này không tìm được cầu thủ chất lượng hơn để thay thế, chứ vấn đề không nằm ở kinh phí.

    Bình Luận