Chiều ngày 28/10, Ban chấp hành VFF có quyết định không cấp phép ngoại lệ cho CLB Than Quảng Ninh tham dự V.League 2022. Lý do là đội bóng này đã không đáp ứng các tiêu chí cấp phép bắt buộc trên hệ thống cấp phép trực tuyến năm 2021.
Trong đó, CLB Than Quảng Ninh đã không có các khoản tài chính phải trả quá hạn đối với nhân viên, cơ quan thuế, tổ chức xã hội.
Điều này sẽ gây nhiều xáo trộn lớn cho công tác tổ chức V.League 2022. Theo đó, giải đấu năm sau sẽ chỉ còn 13 đội bóng. “Giải đấu có nhiều xáo trộn và khó khăn trong công tác tổ chức mùa giải mới. Tôi lấy ví dụ suất lên-xuống hạng có thể thay đổi, công tác tổ chức phải đánh giá lại. Số đội tham dự lẻ sẽ khiến việc bố trí các vòng đấu trở nên phức tạp”, Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc cho biết.
Trước đó, VFF đi đến thống nhất hủy V.League 2021, không có đội vô địch cũng như đội xuống hạng. Tuy vậy, cơ cấu tổ chức của giải đấu vẫn giữ nguyên 14 đội.
Ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2021 diễn ra vào đầu tháng 10, các đội bóng đưa ra hai giải pháp: hoặc là giữ nguyên thể thức cũ (thi đấu hai giai đoạn phân nhóm đua vô địch và trụ hạng) hoặc là đá 26 vòng như trước đây.
Thế nhưng, với việc V.League 2022 chỉ còn 13 đội, VPF sẽ phải sắp xếp lịch thi đấu làm sao cho hợp lý cũng như tổ chức theo thể thức nào.
Thực tế, vấn đề này đã xảy ra trước đây. Ngay ở mùa giải trước, tại giải hạng Nhất, CLB Tây Ninh giải thể, không tham dự khiến giải đấu chỉ còn 13 đội, VPF đã bố trí lịch thi đấu mỗi vòng có 6 cặp và 1 đội nghỉ. Tuy nhiên, giải đấu chỉ đi đến 7 vòng thì bị hủy vì dịch COVID-19.
Trước đây, V.League 2013 cũng thi đấu với số lẻ các đội bóng. Khi giải đấu chỉ còn hai vòng khép lại, CLB Xuân Thành Sài Gòn tuyên bố rút khỏi giải. BTC đi đến quyết định hủy toàn bộ kết quả trước đó của các đội bóng với CLB này. Ở hai vòng đấu còn lại, các đội bóng gặp Xuân Thành Sài Gòn được nghỉ.
Dù vậy, với việc Than Quảng Ninh không dự V.League 2022, VFF, VPF sẽ phải đau đầu tìm hướng giải quyết cho phù hợp.
Bình Luận