- Lịch thi đấu V.League 2020/2021
Có hai luồng quan điểm đang tồn tại lúc này xung quanh việc nên hủy hay không hủy V.League 2021. Luồng quan điểm đang được nói đến nhiều là nên hủy giải đấu bởi không còn đủ thời gian. Kéo dài sự chờ đợi quá lâu có thể khiến các đội bóng tổn thất cực nặng về tài chính. Người ta nhẩm tính rằng, chi phí thường xuyên một đội bóng phải trả hàng tháng lên đến hàng tỷ đồng. Thế nên, dừng giải sẽ giúp một số đội bóng, nhất là những đội bóng thoát khỏi gánh nặng tài chính. Thậm chí, có đội bóng còn tuyên bố nếu phải dừng giải quá lâu họ sẽ đối diện với nguy cơ khủng hoảng về tài chính.
Có đội bóng muốn dừng giải, nhưng có những CLB lại muốn duy trì hoạt động và thi đấu. Lý do họ đưa ra là đội bóng thực chất là một doanh nghiệp, có những quyền lợi và trách nhiệm cần phải thực hiện. Trách nhiệm đầu tiên là với người lao động, đặc biệt là các cầu thủ ngoại. Họ đã có những giao kết về hợp đồng là phục vụ hết mùa giải. Đi cùng với đó là trách nhiệm chi trả về tiền lót tay, tiền lương với số tiền không hề nhỏ. Dừng giải không có nghĩa là dừng trách nhiệm về tài chính với các bản hợp đồng đã ký. Bởi lẽ, các cầu thủ ngoại được bảo vệ bởi những cam kết chặt chẽ và nếu không thực hiện, các CLB sẽ đối diện với án phạt rất nặng từ FIFA. Bài học từ những vụ bồi hoàn hợp đồng mà nhiều đội bóng phải “ngậm đăng nuốt cay” thực hiện vẫn còn nguyên giá trị.
Trách nhiệm thứ hai và có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của một CLB chính là cam kết với các nhà tài trợ. Nhiều đội bóng có sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương, hay từ tiền túi các ông bầu thì quá lo lắng về cam kết với nhà tài trợ. Mọi việc sẽ được giải quyết trên tinh thần cảm thông. Thế nhưng, với những CLB thuần chất là doanh nghiệp thì việc dừng giải sẽ gắn liền với thảm họa. Họ không thể quyết toán hợp đồng với nhà tài trợ khi giải đấu bị hủy. Không có tiền, thậm chí phải bồi hoàn khiến các CLB mất nguồn thu, đóng băng dòng tiền. Thảm họa còn lớn hơn khi các nhà tài trợ quay lưng, không đồng hành với CLB trong thời gian tới đây mới là điều họ lo lắng nhất.
Những điều phân tích ở trên mới chỉ nhắc đến các CLB trong cam kết với đối tác và ngoại binh. Thế nhưng, điều mà dư luận đặt câu hỏi lúc này là các cầu thủ nội, đặc biệt là những người đang thi đấu ở giải hạng Nhất vốn thu nhập cực thấp đang ở đâu trong toan tính của các ông bầu? Nếu giải đấu bị hủy, thì quyền lợi các cầu thủ sẽ được tính toán thế nào? Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi của họ nếu có những mâu thuẫn phát sinh trong việc thực hiện những giao kết đã ký với đội bóng?
Thông thường, nguồn thu của cầu thủ đến từ ba khoản. Thứ nhất là lương tháng. Thứ hai và quan trọng nhất chính là khoản lót tay được trả theo mùa, chia thành từng giai đoạn. Khoản thu nhập thứ ba đến từ tiền thưởng các trận thắng, trận hòa. Nếu giải đấu bị hủy, khoản thu nhập thứ ba đương nhiên bị mất. Khoản thu nhập thứ hai đứng trước nguy cơ đóng băng, thậm chí mất luôn vì hoạt động thi đấu không có, CLB sẽ viện lý do này để từ chối khoản tiền lót tay của giai đoạn 2 mùa giải. Thậm chí, khoản lương tháng cũng bị ảnh hưởng bởi các cầu thủ không tập luyện, hoặc theo kịch bản xấu hơn là bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Trong đại dịch, mọi người đều gặp khó khăn. Nhất là với những cầu thủ đang thi đấu ở hạng Nhất, hạng Nhì vốn nhận mức lương ít ỏi, tiền lót tay ở mức tượng trưng thì việc hủy giải đi liền với thảm họa. Họ đánh mất nguồn thu quan trọng nhất để nuôi gia đình. Mà ai cũng biết, đời cầu thủ thì có hạn, chẳng thể dám chắc mùa giải tới sẽ như thế nào?
Vậy nên, trong khó khăn, tất cả phải ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp hài hòa được quyền lợi của mọi bên. CLB cần đảm bảo được sự an toàn về tài chính. Cầu thủ không thể bị chặn nồi cơm vì sự thiếu cố gắng trong thực hành trách nhiệm của người sử dụng lao động. Hãy vì nhau, đó là cách tốt nhất để bước qua khủng hoảng mà đại dịch Covid-19 mang lại.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bình Luận