Phải thừa nhận rằng, các đối thủ của Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc thay đổi cục diện hay gây áp lực cho đội bóng dẫn đầu. Họ đã làm mọi thứ có thể. Nhưng có một thực tế mà cả V.League phải tôn trọng, đó là Hà Nội quá mạnh. Đội bóng này hiểu phải đối diện với sự gồng mình của mọi đối thủ. Hải Phòng đá với Hà Nội với tinh thần không còn gì để mất và họ đã thành công. Thanh Hoá xác định phải là chiến binh trước Hà Nội. Viettel và Bình Định cũng vào trận với tâm thế phải vẽ lại bản đồ V.League. Trong bối cảnh ấy, không hề dễ cho Hà Nội bởi nếu họ thất bại trong những trận cầu trọng điểm thì làn sóng đổ vỡ sẽ xuất hiện và cuốn phăng tất cả.
Cuối cùng thì Hà Nội vẫn có được điều mình mong muốn là chiến thắng và vô địch. Họ vô địch trong sự trỗi dậy của nhiều thế lực. Quan trọng hơn, họ thành công trong giai đoạn phải tái cơ cấu về quản trị cũng như nhân lực. Một chiến công đủ lớn, đủ ý nghĩa để đưa Hà Nội trở lại với ngôi vị số 1 và thực hiện sứ mệnh vươn khơi mà ban lãnh đạo đội bóng đang ấp ủ.
Thành công của Hà Nội tương phản với thất bại của Sài Gòn FC. Họ đã bị dồn vào cửa tử trong sự bất lực toàn diện. Có thể sẽ có một cuộc chia ly đầy nước mắt và mở ra một tương lai bất định cho đội bóng. Sau trận đấu này, hay nói chính xác là sau giải đấu này, không biết đội bóng sẽ tồn lại như thế nào? Đó thực sự là câu hỏi khó làm nhói lòng những ai từng gắn bó và thương yêu đội bóng này.
Bóng đá khắc nghiệt. Nó không có chỗ cho những tập thể yếu. Thất bại của Sài Gòn FC được dự báo từ đầu mùa giải, thậm chí là mùa giải trước khi họ tự phá đi một cấu trúc bền vững để xây dựng những giá trị mới mong manh. Và những thay đổi chóng vánh từ cấp thượng tầng đã nhấn chìm những hy vọng mong manh của họ. Thầy trò HLV Phùng Thanh Phương đã làm tất cả nhưng biết làm sao, cuộc chơi là vậy, niềm vui của Nam Định là nỗi đau của đội bóng khác.
Bình Luận