Khi B.BD không vung tiền để trở thành đại gia như trước thì cuộc chiến ở V.League bị coi là nhàm chán bởi sự độc diễn của Hà Nội. Bởi một số đội muốn thành công nhanh nhưng lại nhận thất bại (như Thanh Hóa chẳng hạn) để rồi ông bầu đã sớm bỏ bóng đá sau một vài mùa giải vung tiền.
Một số đội khác thì chỉ tạo nên một hiện tượng vào thời điểm nhất định (Hải Phòng) nhưng rút cuộc cũng “xìu” ở đích đến để đầu hàng trước Hà Nội. Phải thừa nhận rằng, quá trình đào tạo trẻ của Hà Nội rất thành công, đã giúp cho đội bóng Thủ đô tạo nên một lực lượng thực sự hùng hậu để tạo nên thế lực hùng mạnh ở V.League. Khi tiềm lực tài chính và con người quá mạnh còn đối thủ đủ mạnh lại hiếm hoi nên Hà Nội luôn sắm vai “anh cả” trong 2 cuộc chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam (Cúp QG và V.League) cũng là điều dễ hiểu.
Đó là lý do dù Viettel được đầu tư rất mạnh với những bản hợp đồng tiền tỷ nhưng ở điểm xuất phát, họ vẫn bị đánh giá đứng sau Hà Nội trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Bởi dù nhìn đâu trong đội hình của Viettel cũng thấy “sao sáng” như đội bóng cùng thành phố nhưng Hà Nội được đánh giá cao hơn một bậc bởi sự ổn định khi lực lượng gắn bó với nhau trong thời gian dài, chơi với nhau khá lâu nên hiểu ý, nhuần nhuyễn trong lối chơi.
Có người bảo, Hà Nội chỉ cần một người đủ hiểu bóng đá, không cần một HLV đẳng cấp cũng đủ sức vô địch là vì thế. Trong lúc đó, Viettel lại sở hữu đội hình với nhiều “hạt gạo trên sàng” nhưng sự gắn kết và lối chơi vẫn chưa đạt đến mức thặng thừa như Hà Nội bởi rất nhiều gương mặt mới kể cả HLV Trương Việt Hoàng nên cần thêm thời gian.
Nhưng thế sự đã đảo chiều ở đích đến! Hà Nội vẫn thể hiện được bản lĩnh và đẳng cấp của một đội bóng giỏi nước rút. Tuy nhiên, Viettel với cách nghĩ thực dụng đã biết tận dụng tối đa yếu điểm khởi đầu chệch choạc của Hà Nội để tạo lợi thế, qua đó, làm bàn đạp để chiếm thế thượng phong trong những bước chạy cuối cùng.
Phải thừa nhận rằng, nếu Hà Nội đủ quân số ngay từ đầu thì Viettel không có cửa để gác thế trên cơ như vào thời điểm này. Nhưng xuất phát với đội hình chắp vá trong thời gian dài (bởi những trụ cột như Duy Mạnh, Đình Trọng, Omar… dính chấn thương) đã có thời điểm đẩy Hà Nội vào thế khủng hoảng, tạo cơ hội cho Viettel thảnh thơi hơn.
So với Hà Nội, lối chơi của Viettel lắm lúc tạo cảm giác… ngủ gật bởi thiếu tính cống hiến, nhiều trận chỉ thắng với tỷ số tối thiểu 1-0 với thế trận phòng thủ số đông khi đã có bàn dẫn điểm. Đơn cử như trận gần nhất khi dẫn bàn trước Than.QN suy yếu do mất người nhưng đoàn quân của ông Trương Việt Hoàng vẫn không dồn lên để đào sâu cách biệt mà chơi theo kiểu “tử thủ” sau khi đã dẫn trước 1 bàn mong manh.
Tuy vậy, Viettel lên ngôi vô địch được coi là “làn gió mới” giúp cho V.League trở nên sinh động hơn, không phải rơi vào tình cảnh “lối cũ ta về” với chỉ gương mặt cũ kỹ là Hà Nội như nhiều năm qua. Việc Viettel đứng trên đỉnh cao của V.League ở đích đến cũng là động lực cho nhiều đội có tiềm lực khác đầu tư mạnh mẽ và tự tin rằng, đủ sức để đánh bật mọi thế lực khi thực sự có tham vọng và đầu tư đúng cách.
V.League sẵn sàng để chào đón tân vương Viettel. Vấn đề hiện tại chỉ còn tùy thuộc vào khả năng biến lợi thế đang có thành hiện thực của thầy trò ông Trương Việt Hoàng mà thôi.
Xác định 3 đội dự cúp châu Á 2021
Sau vòng 6, bóng đá Việt Nam gần như chắc chắn xác định được 3 đội góp mặt ở AFC Champions League và AFC Cup 2021 gồm Viettel, Hà Nội FC và Sài Gòn FC. Than.QN còn rất ít cơ hội lọt vào Top 3 (hiệu số không thể so đọ với Sài Gòn FC, lại đang kém đối thủ tới 3 điểm). Như vậy Sài Gòn FC đã gần như chắc suất dự AFC Cup, Hà Nội FC và Viettel cũng chắc chắn góp mặt ở sân chơi này nhưng họ vẫn đang cạnh tranh chiếc vé duy nhất dự AFC Champions League dành cho nhà vô địch V.League 2020. Sau nhiều năm vắng bóng ở đấu trường danh giá số 1 châu lục cấp CLB, bóng đá Việt Nam mới được AFC cấp phép điều kiện góp mặt ở giải đấu này. Thế nên, Viettel và Hà Nội FC đều cho thấy quyết tâm lớn hướng tới ngôi vô địch để tham dự AFC Champions League.
XEM THÊM
Viettel gặp may vì Hà Nội FC không giỏi đua vô địch ở vòng cuối cùng
Bình Luận