V.League: Đại dịch thử bản lĩnh người làm bóng đá

V.League đang đối diện với những thách thức ngàn năm có một. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm của sân chơi chuyên nghiệp, người phải đối diện với nguy cơ hủy giải đấu. Đó là thực tế không dễ chấp nhận nhưng lại đặt ra câu hỏi với năng lực quản trị của những người làm bóng đá.
V.League: Đại dịch thử bản lĩnh người làm bóng đá

- Lịch thi đấu V.League 2020/2021

Khó khăn mà đại dịch Covid-19 mang đến cho bóng đá là không phải bàn cãi. Nó diễn ra thực tế hàng ngày. Nó câu chuyện chung của toàn xã hội. Sản xuất đình trệ. Chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy. Thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đáng nói, khi các doanh nghiệp kiệt sức, bóng đá khó tránh khỏi những tác động tiêu cực. Khoản tiền dành cho bóng đá vốn eo hẹp thì ngày càng bị cân nhắc. Thế nên, không thể không nhắc đến những khó khăn chồng chất mà đại dịch mang đến cho bóng đá.

Người làm bóng đá có lý do để cân nhắc thiệt hơn trong thời điểm hiện tại. Việc duy trì, tiếp tục giải đấu là điều trên cả tuyệt vời mà ai cũng mong muốn. Thế nhưng, các đội bóng cũng có lý khi nghĩ đến sức khỏe tài chính của mình. Bởi, thêm một ngày duy trì hoạt động là thêm một ngày những người làm bóng đá phải đối diện với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Người ta phải tính toán, cân nhắc và đương nhiên, các đội bóng thường nghĩ đến những quyết định khiến họ ít chịu thiệt hại về tài chính hơn. Thế nhưng, quyết định dễ dàng với bản thân ấy lại kéo theo những hệ lụy tiêu cực, thậm chí, kéo chệch đường ray con tầu bóng đá Việt Nam.

V.League được ví là nồi cơm chung của 14 đội bóng và những người liên quan đến họ. Bóng còn lăn, thì những ai thuộc hệ thống ấy sẽ được làm việc, được kiếm tiền và mưu cầu giá trị riêng cho mình. Và lẽ đương nhiên, vì lý do nào đó mà nồi cơm ấy phải đậy lại thì rất nhiều hệ lụy sẽ kéo theo.

Bây giờ, hỏi nhiều chuyên gia là trong tình huống tiến thoái lưỡng nan này, bóng đá Việt Nam cần phải làm duy để duy trì hoạt động thi đấu. Ai cũng bảo phải đá, sớm đá để đảm bảo đời sống cho hàng ngàn con người. Thế nhưng, lại hỏi đá như thế nào và làm sao có thể đá thì không ai cho được câu trả lời. Ý tưởng đá tập trung đá phá sản khi tứ bề có dịch. Các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội không đủ điều kiện để tổ chức thi đấu nữa dù có theo “nguyên tắc bong bóng” đi chăng nữa. Lúc này, chẳng địa phương nào dám cấp phép cho hoạt động thi đấu thể thao. Mà nếu có sự đặc cách thì các đội bóng phía Nam sao có thể ra và thực hiện cách ly theo quy định cũng mất nguyên cả tháng.

Có quá nhiều rào cản để bóng đá quay trở lại. Từ dịch bệnh đến quỹ thời gian hạn hẹp do các ĐTQG phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong một bài toán cực khó thì lựa chọn dễ nhất đang được nhiều đội bóng hướng tới chính là dừng cuộc chơi. Dễ nhìn thấy nhất chính là việc, họ bớt được một khoản tài chính và không phải sống trong sự chờ đợi thấp thỏm. Nhưng, phương án dễ nhất ấy có thể kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực với từng đội bóng, với giải đấu, với đội tuyển và với lộ trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt Nam.

V.League là nồi cơm chung của tất cả những người làm bóng đá. Để nồi cơm ấy ngon và lâu dài thì tất cả phải góp gạo, chung tay để nấu. Chọn việc dễ nhất cho những nhà điều hành lại có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy. Việc xử lý hợp đồng giữa các BTC giải, các đội bóng với các đối tác, nhà tài trợ cần phải được tính đến. Thậm chí, người ta phải tính đến những tranh chấp phát sinh với việc hủy giải đấu. Rất có thể, sau đó, chính các đội bóng với tư cách là cổ đông của giải đấu sẽ phải chung tay gánh vác tổn thất về tài chính mà mình góp phần tạo ra.

Thêm nữa, các đội bóng cũng phải tính đến trách nhiệm của mình với bản hợp đồng đã ký với các cầu thủ. Cầu thủ đi đá bóng để kiếm tiền, việc dừng giải đấu có thể khiến họ chịu tổn thất mà thành xuân không phải là thứ tồn tại mãi mãi. Vậy mới nói, để nồi cơm chung ngon với nhiều người thì cần lắm sự chung tay. Điều đó tuyệt vời và ý nghĩa hơn là việc chấm dứt giải đấu khi cơ hội duy trì nó thực sự vẫn còn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    Bình Luận