V.League đau đầu chuyện cái sân

Một trận đấu muốn tổ chức phải có sân đấu. Một đội bóng chuyên nghiệp, trước tiên cũng phải có cái sân. Tuy nhiên, ở nước ta chẳng có đội bóng nào sở hữu một sân đấu riêng, vì thế có nhiều chuyện khiến mọi người phải đau đầu.
V.League đau đầu chuyện cái sân

Có một vấn đề ở nền bóng đá Việt Nam, kể cả từ thời bao cấp và giờ khi chuyển sang chuyên nghiệp được 20 năm, CLB có thể là của tư nhân hoặc doanh nghiệp, nhưng sân vận động chắc chắn phải là của nhà nước. Ngay cả sân Pleiku dù chuyển giao cho HAGL quản lý và sửa chữa làm mới, nhưng nó vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước chứ chưa bao giờ là sở hữu của đội bóng phố Núi. 

Hiện tại, khi các CLB chuyên nghiệp Việt Nam thi đấu ở V.League, đòi hỏi của BTC và cả AFC đã buộc những nhà quản lý sân phải chạy theo xu hướng để đáp ứng yêu cầu của những người tổ chức, vì thế sân bãi của các đội giờ cũng thay đổi nhiều theo thời gian.

Trước đây, các trận đấu thường đá lúc 15h00, 15h30 hoặc 16h00, nhưng hiện tại đều phải lắp dàn đèn để thi đấu lúc 17h00, 18h00 hoặc 19h00 theo yêu cầu của đội bóng. Một số sân như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Vinh hoặc Hà Tĩnh cũng phải sửa sang mặt cỏ theo yêu cầu của đội bóng đúng kiểu “khách hàng là thượng đế”. Tuy nhiên, “thượng đế” được đối xử ra sao thì còn phải tùy vào tâm trạng của nhà quản lý sân, thế mới có nhiều vấn đề.

Tại Thai League, hầu hết sân bãi đều giao cho các CLB quản lý và họ có thể tận dụng để khai thác tối đa nhằm tìm nguồn thu cho CLB. Nhưng ở V.League, các đội bóng đều chưa thể làm được việc này khi sân bãi không thuộc quyền sở hữu của họ. 

Sân Hàng Đẫy đã ngày một xuống cấp  	Ảnh: ĐỨC CƯỜNG - MINH TUẤN

Thời gian qua, hai sân Thống Nhất và Hàng Đẫy được ngành thể thao đề xuất giao cho CLB TP.HCM và Hà Nội FC quản lý. Thậm chí, bầu Hiển của đội bóng Thủ đô đã lên kế hoạch chi tiết xây mới sân Hàng Đẫy, nhưng rồi tất cả đều chỉ là kế hoạch.

Sân Hàng Đẫy đang ngày một xuống cấp, nhiều chỗ trên khán đài không thể sử dụng vì sợ sập. Riêng sân Thống Nhất, có thời gian cựu tuyển thủ Lê Công Vinh làm chủ tịch CLB TP.HCM đã sửa lại phòng thay đồ và điều đó được xem như cuộc… cách mạng. Nhưng khi Công Vinh muốn sửa chữa các nhà vệ sinh của sân đã vấp phải nhiều vấn đề, vì sân không do CLB TP.HCM quản lý.

Do sân không thuộc quyền quản lý, nên các đội bóng muốn làm mới mặt cỏ và sửa chữa một số hạng mục cũng không hề đơn giản. Mà đề xuất lên ban quản lý sân thì phải chờ rất lâu. Nói đâu xa, sân Vinh thời gian qua đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt sân chẳng khác gì ruộng khiến các cầu thủ dính chấn thương liên tục. Báo chí và CLB nói mãi nên mùa giải vừa qua, ban quản lý sân Vinh mới tiến hành nâng cấp.

Những sân đấu khác như Hải Phòng, Thiên Trường, Thanh Hóa… hiện là nỗi ám ảnh của cả chủ nhà lẫn khách. Trong khi đó, sân Thống Nhất và sân Hà Tĩnh… thời gian qua đã sửa chữa nâng cấp mặt cỏ, nhưng các đội bóng thuê hai sân này làm sân nhà như TP.HCM, Sài Gòn FC, HL Hà Tĩnh trước mỗi trận đấu ở V.League thậm chí còn không được vào tập làm quen, với lý do “bảo dưỡng mặt sân”. 

Chuyện cái sân thực tế là nỗi đau đầu của V.League, nhưng các đội bóng đều không thể làm gì được, bởi tất cả phụ thuộc vào cơ chế và đấy sẽ còn là chuyện dài nhiều tập của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Lơ là với những sản phẩm cổ động
Không có sân đấu riêng nên hầu hết các đội bóng đều không thành lập các cửa hàng bán sản phẩm cổ động như áo đấu, băng rôn, cờ, nón… ngay tại sân. Trước trận đấu, một vài đội bóng mới đặt những cái bàn để bán các sản phẩm này, nhưng rất hời hợt theo kiểu cho có, dẫu đấy là nguồn thu không nhỏ của CLB.

    Bình Luận