V.League khắc nghiệt với tiền đạo ngoại

V.League vốn được xem là mảnh đất dụng võ cho các ngoại binh. Thế nhưng, sân chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam ngày càng không hề đơn giản với các tiền đạo ngoại quốc.

Thước đo lớn nhất cho vị thế của các tiền đạo ngoại chính là danh hiệu Vua phá lưới. Kể từ thời điểm V.League lên chuyên và làn sóng cầu thủ ngoại ồ ạt vào Việt Nam, các tiền đạo ngoại áp đảo ở cuộc đua này. Từ mùa giải 2003 đến 2020, chỉ có duy nhất tiền đạo nội vượt lên để giành danh hiệu này là Nguyễn Anh Đức.

Tiền đạo này đoạt ngôi Vua phá lưới V.League 2017 khi ghi 17 bàn thắng cho B.Bình Dương. 17 mùa giải còn lại, các tiền đạo ngoại thay nhau “chiếm sóng”. V.League là mảnh đất màu mỡ với các tiền đạo ngoại.

Thế nhưng, sự khắc nghiệt càng lớn hơn rất nhiều qua từng năm. Họ không còn dễ dàng áp đảo. Nếu như trước đây, các chân sút ngoại có sự ổn định qua từng năm thì câu chuyện bây giờ không hề đơn giản. Trở về quá khứ, chuyện một tiền đạo ngoại bảo vệ thành công ngôi vị Vua phá lưới hết sức bình thường. Đó là Gaston Merlo lập kỷ lục với ba mùa giải liên tiếp từ 2009-2011. Trước đó là chân sút Almeida hai mùa liên tiếp vào các năm 2007 và 2008. 

Các tiền đạo ngoại sẽ "chiếm sóng" ở V.League 2021?

Samson Kayode trở thành cái tên tiếp theo ghi danh vào thành tích này trong hai năm 2013 và 2014. Kể từ đó đến nay, ngôi vị Vua phá lưới luôn đổi chủ. Và các chân sút ngoại dù chiếm ưu thế nhưng họ chỉ được xem là nổi bật đúng…1 mùa.

Patiyo dành Vua phá lưới V.League 2015 với 18 bàn. Ở mùa giải sau đó, anh chỉ còn 10 pha lập công. Đỗ Merlo thăng hoa ở mùa giải 2016 với 24 bàn thì hai mùa sau chật vật ghi 6 và 5 bàn. Oseni bất ngờ nổi lên ở mùa giải 2018 với 17 bàn và sau đó chỉ ghi 7 bàn hay Pape Omar ghi đúng 2 bàn ở V.League 2020 khi anh đang là đương kim Vua phá lưới.

Ở V.League 2020, các chân sút ngoại vẫn chiếm ưu thế. Hai cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất là Rimario và Pedro Paulo với 12 pha lập công. Các cầu thủ thi đấu nổi bật nhất vẫn là tiền đạo ngoại. Đó là Pedro Paulo, Geovane (Sài Gòn) hay Bruno Cunha (Viettel).

Khép lại mùa giải này, họ đã tìm được bến đỗ mới với bản hợp đồng hậu hĩnh. Geovane, Bruno Cunha đến Hà Nội FC trong khi Pedro Paulo cập bến Viettel. Tất cả được kỳ vọng sẽ là “đầu tàu” ở đội bóng mới.

Tuy nhiên, khởi đầu bằng trận Siêu cúp QG hay các trận giao hữu trước đó, các tiền đạo ngoại giờ đây đã cảm nhận sự khắc nghiệt. Họ chưa để lại nhiều ấn tượng dù được trao cơ hội và kỳ vọng rất nhiều.

“Geovane là cầu thủ thi đấu thành công của Sài Gòn ở mùa giải trước. Tuy nhiên, về Hà Nội chưa có nhiều thời gian để bắt nhịp. Thứ nhất là do các trụ cột tập trung đội tuyển, thứ 2 là cậu ấy lại chấn thương. Cậu ấy cần thêm thời gian để hoà nhập. Nếu chơi đúng phong độ và hoà nhập với lối chơi của Hà Nội, đây sẽ là một cầu thủ rất nguy hiểm”, HLV Chu Đình Nghiêm chia sẻ về tân binh của Hà Nội FC.

V.League 2021 chuẩn bị khởi tranh. Đó là mùa giải hứa hẹn nhiều thách thức cho các tiền đạo ngoại từng “làm mưa, làm gió” ở V.League 2020.

    Bình Luận