Làm phó rồi mới làm trưởng
Những năm qua, các đội bóng Việt Nam đã không còn chuộng thầy ngoại. Có rất nhiều lý do, nhưng tựu trung lại, đó là giai đoạn người ta được chứng kiến các thầy nội bước lên tầm cao mới với tư duy, quan điểm hiện đại. Trong số đó, có những HLV ở thế thế hệ 6X và 7X, nổi bật như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Ngô Quang Trường, Triệu Việt Hoàng, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng, Chu Đình Nghiêm…
Không khó nhận ra, những nhà cầm quân nói trên đều có xuất phát điểm là “làm phó rồi lên làm trưởng”, hoặc trải qua thời gian nắm các đội trẻ. Cho đến bây giờ, rất nhiều trong số những nhân vật nói trên đã và đang gặt hái thành công với các đội bóng V.League. Ở góc độ khác, một số CLB thích sử dụng thầy ngoại vì họ không sản sinh ra những thầy nội đủ đẳng cấp để nắm sa bàn.
Long An (trước đây là Đồng Tâm Long An) là một trong những ví dụ điển hình. Suốt chiều dài lịch sử, đội bóng này sử dụng đến 10 HLV ngoại, nhưng chỉ có ông Henrique Calisto là mang đến thành công với hai chức vô địch V.League 2005 và 2006. Tương tự, HAGL cũng sử dụng gần chục thầy ngoại, nhưng chỉ HLV người Thái Arjhan Somamsak là thành công với hai chức vô địch V.League 2003 và 2004.
Việc cả Long An lẫn HAGL từng được mệnh danh là “cối xay HLV” cũng có lý do riêng. Nên nhớ, HLV Kiatisak Senamuang trước đây cũng từng thất bại 2 lần ở HAGL, bởi chưa có đủ đẳng cấp cũng như kinh nghiệm để dẫn dắt một đội bóng tại V.League.
Chờ đợi gì ở thầy ngoại?
Nếu 4 trong số 12 CLB sử dụng HLV ngoại thì đó là thay đổi đáng kể về cán cân trên băng ghế kỹ thuật ở các đội bóng V.League 2021. Câu hỏi đặt ra ở đây là các CLB chờ đợi gì ở thầy ngoại?
Hãy bắt đầu bằng cái tên Ljupko Petrovic, người từng dẫn dắt Thanh Hóa và giúp CLB này giành vị trí á quân V.League 2017. Petrovic được mời lại đương nhiên là do tài năng, nhưng vượt lên tất cả, ông có kinh nghiệm xương máu khi làm việc với một đội bóng đặc thù “địa phương” như Thanh Hóa. Rõ ràng, đội bóng xứ Thanh cần tính kỷ luật từ phòng thay đồ và chỉ có người cá tính như Petrovic mới mang đến hy vọng.
Ông Petrovic đã cho thấy giá trị, nhưng với những HLV như Kiatisak (HAGL) hay Alexandre Polking, người sẽ cầm sa bàn ở CLB TP.HCM thì không như vậy. Kiatisak từng rất thành công ở cấp ĐTQG cùng Thái Lan, nhưng thành tích ở CLB gần như là con số 0. Nói vậy để thấy, Kiatisak đáng được kỳ vọng, nhưng “Zico Thái” không phải là “vua Midas” để chạm tay vào đâu là có thể biến thành vàng.
HLV Polking cũng rất “có thương hiệu”, nhưng còn quá nhiều dấu hỏi trong mối lương duyên giữa ông với TP.HCM, đội bóng vốn có nhiều áp lực từ thượng tầng đến phòng thay đồ. Bài học từ cựu “thuyền trưởng” ĐT Việt Nam, Toshiya Miura hay gần đây là HLV Chung Hae Soung hẳn xứng đáng để nhà cầm quân có 2 quốc tịch Brazil và Đức tham khảo.
Tóm lại, để thành công với các đội bóng Việt Nam, những thầy ngoại không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải biết trước biết sau, biết chia sẻ với văn hóa bóng đá và tính cách cầu thủ bản địa… Có như vậy, họ mới hy vọng đi được con đường thật dài.
Bình Luận