Năm ngoái đã có những tranh cãi xung quanh câu chuyện nên hoãn hay huỷ V.League sau 2 lần phải tạm dừng vì đại dịch Covid-19. Nói đúng hơn, một số đội bóng muốn được dừng cuộc chơi. Giữa muôn vàn lý do thì chuyện các CLB không kham nổi tài chính là vấn đề được đề cập nhiều nhất. Rốt cuộc, giải vẫn diễn ra và V.League 2020 đã kết thúc giống như những bộ phim kinh điển khi tấm vé trụ hạng hay vương miện vô địch phải chờ đến phút cuối mới tìm được chủ nhân.
Năm nay, dường như các nhà làm giải đã có rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó với dịch bệnh. Nói như ngôn ngữ trong nghề, họ biết làm gì để bóng đá có thể “sống chung với Covid”. Sự ứng phó ấy đến ngay tức thì ở vòng 3 khi V.League chỉ tổ chức 2/7 trận đấu trên sân không có khán giả. Chắc chắn, việc hoãn giải đấu sẽ có kẻ khóc người cười. Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng hẳn sẽ buồn thúi ruột bởi họ đang vui lại phải trì hoãn sự sung sướng. Ở chiều ngược lại, những “người giàu phải khóc” như Hà Nội, Viettel lại mở cờ trong bụng khi có nhiều thời gian hơn để bẻ lại bánh lái.
Sự an toàn cho những người chơi, những người tham gia trong bóng đá luôn là điều kiện tối thượng khi phải sống chung với dịch bệnh. Bóng đá vốn đã gặp khó khăn trong năm 2020 sẽ còn phải đối diện với vô vàn khó khăn khác. Nhưng bóng đá chỉ là đang tạm dừng và sẽ trở lại mạnh mẽ, giống như những gì mùa giải năm trước đã làm được.
Covid chắc chắn là nỗi ám ảnh nhưng nhắc đến Covid-19 không hẳn tất cả là một màu đen tối. “Nhờ” đại dịch, những cái khó sẽ ló cái khôn. Rồi đây nhiều ý tưởng sẽ được hiện thực hoá và nó sẽ giúp bóng đá hoàn thiện hơn. Thế nên, V.League phải tạm hoãn giống như chúng ta chỉ tạm hoãn sự sung sướng, vậy thôi!
Bình Luận