V.League, trạng thái bình thường mới

V.League không đứng ngoại lệ trong trạng thái bình thường mới. Ở mùa giải 2020, sự linh hoạt đến từ VFF, VPF cùng hàng loạt các CLB đồng lòng đã giúp giải đấu về đích an toàn.
V.League, trạng thái bình thường mới

Cuộc chiến của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng với dịch Covid-19 đã kéo dài 1 năm rưỡi. Dù không muốn nhưng khi trên trái đất vẫn còn 1 ca mắc chủng virus nguy hiểm này, trận đấu giữa ta và địch vẫn sẽ còn phải bù giờ cho đến thời điểm ấy. Quả thực, cho đến lúc này, chúng ta không thể biết chắc khi nào dịch sẽ chấm dứt hoàn toàn. Và nếu cứ bị động chờ đợi đến một thời điểm vốn đang bất định trong tương lai, con người đương nhiên sẽ thua trong cuộc đấu đường trường dai dẳng với chủng virus tai quái. 

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Khái niệm về trạng thái bình thường mới xuất hiện trong ý chí, mục tiêu và hành động ở mọi quốc gia, mọi lĩnh vực, mọi đối tượng… Tất cả vừa chủ động giữ vững ý thức phòng chống dịch Covid-19, vừa tích cực kéo guồng quay cuộc sống trở lại.  

V.League không đứng ngoại lệ trong trạng thái bình thường mới. Ở mùa giải 2020, sự linh hoạt đến từ VFF, VPF cùng hàng loạt các CLB đồng lòng đã giúp giải đấu về đích an toàn. Đầu mùa 2021, dịch Covid-19 trở lại làm gián đoạn 1 tháng ở quãng khởi đầu của V.League. Nhưng ngay sau đó, V.League với trạng thái bình thường mới đã tổ chức các vòng đấu liên tục với chất lượng chuyên môn cao, qua đó trở thành nền tảng để giúp đội tuyển Việt Nam hoàn thành mục tiêu vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 như kỳ vọng. 

Khép lại một nửa chặng đường thành công vừa qua, thử thách trước mắt của giải bóng đá số 1 Việt Nam là 9 vòng đấu nữa với quãng thời gian eo hẹp, cùng những ảnh hưởng vẫn hiện diện của dịch Covid-19. Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt đầu trở về với trạng thái bình thường mới, V.League cũng bắt đầu có những kiến giải để vận hành lại guồng quay của giải đấu sao cho phù hợp với tình hình của cả nước lúc này, với lịch trình của bóng đá Việt Nam cũng như các CLB tham dự giải. 

Tất nhiên, việc đưa ra một giải pháp hoàn hảo trong thời bình đã khó. Nên chuyện đề xuất những kiến giải ở bối cảnh thời dịch còn hiện diện cũng không tránh khỏi những thiệt hơn. Điều quan trọng, VFF, VPF cùng các CLB đồng lòng để đưa V.League hoàn thành chặng nước rút của mùa giải, theo cách trọn vẹn và thành công nhất có thể. 

Sau khi đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Viettel là đại diện tiếp theo của bóng đá Việt Nam chinh chiến ở đấu trường châu Á. Cụ thể ở đây là AFC Champions League. Phải đến 11/7, Viettel mới kết thúc 6 lượt trận của bảng F, trước khi trở về nước sau đó. Dự kiến, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng sẽ phải cách ly tối thiểu là 7 ngày trước khi trở lại tập luyện bình thường.

Căn cứ vào kế hoạch của Viettel và chuyển động của những CLB hiện tại, VPF đã xây dựng lịch thi đấu dự kiến, với việc V.League có thể trở lại vào cuối tháng 7. Cụ thể, các trận đấu bù của vòng 13 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/7 theo thể thức thi đấu hiện hành. Ở giai đoạn 2, kế hoạch được xây dựng theo hướng thi đấu tập trung, không khán giả. Cụ thể, giai đoạn 2 của giải VĐQG được đề xuất đá tại 1 cụm sân ở phía Bắc gồm Hàng Đẫy, Cẩm Phả, Lạch Tray, Thiên Trường, Thanh Hóa, Việt Trì, Trung tâm đào tạo trẻ, PVF và Thanh Trì.

Về thời gian tổ chức, nhóm A (5 vòng dành cho các đội tranh đua vô địch) của V.League dự kiến được  tổ chức từ 6-21/8, trong lúc nhóm B (7 vòng dành cho các đội chống xuống hạng) dự kiến diễn ra 4-22/8.  Giải hạng nhất diễn ra từ 31/7 đến ngày 15/9 và thi đấu theo lịch hiện hành. Cúp QG được dự kiến sẽ diễn ra từ 20-30/9, trong lúc trận play-off được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/9.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ 

    Bình Luận