Sáng 28/11, Đại hội đổng cổ đông của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã diễn ra tại Hà Nội. Một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập ở Đại hội lần này là giá trị bản quyền truyền hình V.League.
Theo đại diện lãnh đạo VPF cho biết, một công ty sẵn sàng đề nghị sở hữu bản quyền truyền hình V.League kể từ mùa 2023 với giá trị gấp gần 20 lần so với hiện tại. Trước đó một tháng, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT VPF có cho biết, hợp đồng bản quyền truyền hình hiện tại có giá trị tương ứng với mười mấy tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị đó lại ít quy đổi ra tiền mặt. Vì vậy, việc chia quyền lợi cho các CLB còn khiêm tốn.
Cũng liên quan đến bản quyền truyền hình, để nâng tầm giá trị giải đấu, VPF cũng hướng tới việc nâng tầm hình ảnh V.League. Trong đó, việc trang bị khu vực kỹ thuật (hoặc hợp đồng quảng cáo với các CLB có khu vực kỹ thuật đạt chất lượng tương đương hoặc tốt hơn), dựa trên tiêu chuẩn của AFC là điều được nêu ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên trong năm nay.
Tổng giám đốc VPF – Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ trong Đại hội: “Trên cơ sở đề xuất và tình hình thực tế, chúng tôi đã làm việc với đơn vị cung cấp. Mỗi đội sẽ có 2 cabin cùng với đó là khu vực ngồi dành cho trọng tài bàn. Khu vực kỹ thuật này sẽ đảm bảo tiêu chuẩn của LĐBĐ châu Á. Với cabin huấn luyện, mỗi một cabin sẽ bao gồm 20 ghế ngồi, ghế được bọc da. Khung của cabin là sắt. Chúng tôi cũng đã tham khảo, trao đổi với các CLB cũng như đơn vị cung cấp. Dự kiến, chi phí sau khi sản phẩm hoàn thiện, vận chuyển và lắp đặt tới các sân của CLB là 350 triệu đồng/đội. Đối chiếu với mức giá này với các nhà thầy Trung Quốc và Thái Lan, chúng tôi xác nhận đây là mức phí thấp hơn và phù hợp hơn”.
Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF – Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Bản quyền truyền hình, vé bóng đá là nguồn thu chủ lực với nhiều CLB trên thế giới, sau đó mới đến giá trị của nhà tài trợ. Nhưng ở Việt Nam, nguồn thu hàng đầu của các CLB lại là nguồn thu tài trợ. Vì vậy, tôi mong thời gian tới, dựa trên chiến lược và bước đi đúng đắn của Hội đồng quản trị VPF, các CLB sẽ có nguồn thu, thậm chí là nguồn thu chủ lực là bản quyền truyền hình”.
Đối chiếu với các CLB tại Thai League hay mở rộng hơn là châu Âu, triết lý hoạt động về tài chính của họ là không bao giờ phụ thuộc duy nhất vào một nguồn thu. Các đội bóng luôn tìm cách có thêm những nguồn thu khác nhau từ hàng loạt nhà tài trợ trên nhiều phương diện. Song song với đó, bản quyền truyền hình được xem là nguồn thu chủ lực đem đến một lợi nhuận đủ để họ phát triển trong thời gian trước đó cũng như trụ vững trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh ở thời điểm hiện tại. Nhìn nhận từ đó, các CLB của V.League và VPF cũng đánh giá một cách trực diện hơn, tìm kiếm giải pháp quyết liệt hơn để tăng thêm nguồn thu trong giai đoạn Covid-19 gây ra nhiều khó khăn hiện tại.
Trước đó, nhiều đội bóng đã bày tỏ sự quan tâm về phương án bản quyền truyền hình. Và thực tế, đáp lại nguyện vọng từ phía những đội bóng, VPF cũng từng bước hướng đến mục tiêu chung cho giá trị bản quyền truyền hình V.League đạt đến một con số tương xứng. Và việc chung tay làm cho giải đấu đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn chính là bước đi đầu tiên cho giải pháp tìm kiếm nguồn thu mới của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Quả thực, nếu như chia sẻ của VPF thành hiện thực, với giá trị bản quyền truyền hình gấp tới hàng chục lần như hiện nay, các CLB không những tìm được giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay mà còn có thể tạo nên bước ngoặt cách mạng lớn trong phát triển bóng đá chuyên nghiệp của chính bản thân mình.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bình Luận