V.League và những con tính tối ưu để ‘đối đầu’ với đại dịch Covid-19

V.League 2021 có thể sẽ có những sự thay đổi lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục đe doạ sức khoẻ của cả cộng đồng. Dù vậy, phương án nào cũng cần có sự phản biện, tối ưu để có sự hài hoà cho các bên.
V.League và những con tính tối ưu để ‘đối đầu’ với đại dịch Covid-19

Những phương án nào được đưa ra?

Như đã đề cập, VPF đã đề xuất phương ná V.League 2021 có thể tái xuất với các trận đấu thuộc vòng 13 giai đoạn 1 vào ngày 12/2/2022. Tiếp đến từ ngày 16/2/2022 đến 12/3/2022, V.League sẽ bước sang giai đoạn 2, tiến hành tách nhóm và thực hiện phần còn lại của mùa giải. Với giải hạng Nhất Quốc gia, ngày 20/11/2021, vòng 7 sẽ đánh dấu sự trở lại. 

Đến ngày 16/12/2021, hạng Nhất sẽ khép lại giai đoạn 1. Từ ngày 20/12/2021 đến 14/1/2022, hạng Nhất bước sang giai đoạn 2, tiến hành tách hai nhóm giống như V.League và sẽ kết thúc giải đấu trong khung thời gian này. Còn với Cúp Quốc gia, vòng 1/8 sẽ diễn ra từ ngày 17/1/2022. Vòng tứ kết tổ chức vào ngày 8/2/2022. Trong giai đoạn từ 15-18/3/2022, giải sẽ diễn ra vòng bán kết và trận chung kết.

Rất nhiều CLB tham gia V.League 2021 đã lên tiếng bày tỏ sự đồng tình lẫn không hài lòng. Tuy nhiên, vào lúc này, các phương án nói trên vẫn chỉ dừng lại ở dạng bản thảo. Tức, tất cả cần phải suy xét trên nhiều khía cạnh, nhiều lăng kính… chứ không đơn thuần là một văn bản thông báo.

HAGL (áo vàng) đang dẫn đầu BXH V.League tính cho đến vòng 12

Cần tiếng nói chung

Thực tế, tối hôm kia đã rộ lên những thông tin giai đoạn 2 V.League 2021 sẽ được hoãn đến tháng 2 năm 2022. Báo chí đã vào cuộc và cộng đồng mạng cũng dành sự quan tâm rốt ráo cho sự kiện đồn đoán này. Nhưng có thế nào đi nữa thì cũng phải chờ chờ một văn bản chính thức từ đơn vị quản lý, từ các nhà làm giải theo một quy trình, khi đa số những thành viên tham gia tìm được tiếng nói, thoả thuận chung.

Cái quy trình như đã nói vô cùng quan trọng. Ở đó, có tiếng nói của CLB sẽ quyết định phần lớn đến việc giải đấu có hoãn đến tháng 2 sang năm hay sẽ tiếp tục áp dụng phương án “sống chung với Covid” khi đại dịch đã tạm được khống chế hay vẫn ở nguy cơ cao. Phương án tiếp tục hay hoãn từ các đơn vị quản lý, mà ở đây là LĐBĐ Việt Nam và công ty VPF, đơn vị tổ chức giải đấu, phụ thuộc rất lớn vào những tính toán thiệt hơn về kinh tế, về nhân sự, về quản lý, về những tác động có thể… từ những thành viên tham gia. 

Bóng đá Việt Nam đang đứng trước những thử thách chưa có tiền lệ trong lịch sử và nó đặt ra vô vàn câu hỏi lớn cho các thành viên tham gia lẫn nhà tổ chức. Dù phương án nào cũng cần có sự minh bạch, công bằng dành cho tất cả. Có thể dẫn ví dụ cụ thể, các bên cần phải tối ưu các giải pháp để các nhà tài trợ giải đấu không bị thiệt thòi về quyền lợi như đã cam kết. Tương tự, phía các đội bóng cũng cần những con tính để đáp ứng đủ những gì đã đàm phán với các Mạnh Thường quân. Sau nữa, các CLB cần phải cân đối được ngân sách tài chính để không bị trội lên khi trả lương cho cầu thủ hay các khâu vận hành…

Chắc chắn sẽ có những cuộc hợp trực tuyến, chắc chắn sẽ nhiều phương án đệ trình và chắc chắn sẽ có những tranh cãi, phản biện… giữa các bên, giữa các thành viên tham gia. Đó là những điều cần kíp để tìm ra vấn đề cốt lõi, cũng như chốt hạ được phương án tiếp tục hay sẽ hoãn các giải đấu đến năm 2022.  

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    Bình Luận