Mấy tháng qua, các giải bóng đá quốc nội đóng băng nhằm nhường chỗ cho hoạt động của các ĐTQG. Bóng đá Việt Nam đã dành những điều kiện tốt nhất cho các đội tuyển. Đặc biệt là với các tuyển thủ trẻ thì thời gian tập huấn kéo dài chính là điều kiện để họ trưởng thành. Thực tế là tại SEA Games và VCK U23 châu Á, các cầu thủ U23 Việt Nam đã tạo ra rất nhiều bất ngờ.
Chúng ta tự hào vì thành tích của các đội tuyển. Thế nhưng, không thể có đội tuyển mạnh, thậm chí là sự ổn định và phát triển của nền bóng đá nếu giải VĐQG thiếu sức sống. Các cầu thủ, nhất là những người trẻ cần có môi trường để thi đấu và trưởng thành. Sự tiến bộ của họ chính là niềm hy vọng cho giấc mơ hội nhập của đội tuyển. Nhưng quan trọng hơn cả, các đội bóng cần V.League được thi đấu bởi quyền lợi, trách nhiệm và hy vọng của họ dồn cả vào sân chơi này.
Bóng đá Việt Nam vẫn đang trên hành trình xác lập giá trị chuyên nghiệp. Và có một điều dễ nhận thấy nhất chính là sự thay đổi về tư duy quản lý bóng đá. Các CLB dần định hình là một doanh nghiệp thực thụ. Ở đó, họ coi thi đấu là hoạt động kiếm tiền, trả quyền lợi cho các đối tác tài trợ. Nói tóm lại là sự vận hành của từng đội bóng phụ thuộc vào hoạt động thi đấu và thành tích mà họ có được. Thế nên, trong mọi tính toán về chiến lược, chiến thuật thì quyền lợi của CLB, của ban tổ chức giải cần được tính đến. Thậm chí, phải coi họ là trung tâm của cả hệ thống bởi sẽ không thể phát huy được sức mạnh của cả nền bóng đá nếu những mắt xích quan trọng nhất không đảm bảo được quyền lợi của mình. Thế nên, V.League sắp trở lại là cơ hội để các đội bóng hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng với các nhà quản lý, đó là dịp để làm những điều tốt nhất cho bóng đá, mang đến môi trường thuận lợi nhất để từng CLB phát triển.
Bình Luận