Ngày 17-7, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022), đã ký công văn gửi đến các tổ chức thành viên VFF, thông báo gia hạn thời gian giới thiệu và đề cử nhân sự mới ứng cử vị trí chủ chốt gồm chủ tịch và phó chủ tịch cho đến ngày 23-7.
17-7 cũng là ngày Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan trung ương đã đến Chi bộ VFF để thông báo kết luận kiểm tra đối với Chi bộ VFF - theo đó, Đảng ủy khối chỉ rõ những vi phạm của Chi bộ VFF khóa 2015-2017 và 2017-2020 là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng trong Cơ quan VFF.
Riêng Bí thư Chi bộ Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF, với cương vị là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Chi ủy, Chi bộ Cơ quan VFF phải chịu kỷ luật cao hơn hình thức kỷ luật của Chi ủy vì để xảy ra các vi phạm của Chi ủy, Chi bộ VFF trong thời gian qua.
Cả tập thể Chi ủy, Chi bộ Cơ quan VFF không sinh hoạt Chi bộ nhiều lần trong trong năm và kéo dài trong nhiều năm liền, không nộp đảng phí đầy đủ... là đã có dấu hiệu bao che, thông đồng, buông lỏng quản lý.
Khi Đảng ủy Khối Các cơ quan trung ương đã kết luận ông Trần Quốc Tuấn sai phạm nghiêm trọng như thế thì việc kỷ luật về chính quyền cũng phải tương ứng với kỷ luật Đảng.
Có nghĩa là khi ông Trần Quốc Tuấn bị kỷ luật Đảng ở mức cảnh cáo thì đương nhiên ông Tuấn không được phép tham gia tranh cử vào Ban Chấp hành (BCH) VFF khóa VIII cho dù đã được các tổ chức thành viên VFF giới thiệu và đề cử tranh chức chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa VIII.
Do đó, có thông tin cho rằng ông Tuấn không tranh cử chức chủ tịch VFF và vẫn tham gia tranh cử phó chủ tịch VFF khóa VIII là hoàn toàn sai trái vì ông Tuấn xem ra không còn đủ tư cách tham gia tranh cử.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã từng phát biểu với giới truyền thông rằng khi Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan trung ương chính thức thông báo người nào phải nhận kỷ luật thì người đó mặc nhiên không được bộ giới thiệu tranh cử vào BCH VFF khóa VIII.
Với riêng những gì mà ông Dũng trong vai trò Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khóa VIII đã để lại quá nhiều điều tiếng kể từ khi truyền thông và người hâm mộ bắt đầu quan tâm và được biết rõ về sự chuẩn bị Đại hội VFF khóa VIII kể từ tháng 2-2018.
Lý ra đại hội đã phải tiến hành từ tháng 4-2018 nhưng vì ông Dũng điều hành chưa tốt với hàng loạt động thái gây phản ứng, mà cho đến nay, ngay cả việc công bố danh sách tham gia tranh cử đại hội cũng chưa hoàn thành.
Giờ đây không còn là lúc phê bình cách điều hành của trưởng Tiểu ban Nhân sự VFF nữa, bởi quan trọng hơn lúc này là Đại hội VFF khóa VIII phải được tiến hành sớm, ngay trong tháng 8 là tốt nhất. Vì rằng đại hội càng trễ, bóng đá Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng càng nặng nề.
Nếu tiến hành trong tháng 8, BCH VFF khóa VIII hy vọng vẫn còn thời gian, dù là đã trễ, để bóng đá nước nhà chuẩn bị tốt nhất 2 giải quan trọng AFF Cup vào cuối năm 2018 và VCK Asian Cup vào đầu năm 2019; sẽ có giải pháp để không còn tình trạng một chủ có khả năng chi phối nhiều đội bóng ở V-League; hy vọng vẫn còn thời gian để kêu gọi, vận động được tài chính cho các hoạt động của VFF vì thường tháng 10 là tháng cuối cùng các doanh nghiệp duyệt ngân sách cho năm tới.
Còn nhiều và rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến bóng đá Việt Nam nếu như Đại hội VFF nhiệm kỳ mới bị kéo dài và không xác định sớm thời gian tổ chức!
Bình Luận