Bóng đá Việt Nam khép lại năm 2020 đầy đặc biệt, nhưng trên hết với sự đoàn kết của các thành viên trong “ngôi nhà bóng đá”, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành (BCH) và Thường trực BCH VFF, các giải bóng đá lần lượt kết thúc; các ĐTQG dù phải hoãn tham dự các giải quốc tế do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng vẫn được VFF duy trì các đợt tập trung nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Tạp chí Bóng đá đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải về những kế hoạch trong năm 2021 của bóng đá nước nhà…
PV: Thưa Chủ tịch, 2020 là năm quá đặc biệt với thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có thể thao và bóng đá. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam vẫn duy trì được “dòng chảy” và các giải lần lượt kết thúc. Chủ tịch có thể đánh giá tổng quan về bóng đá Việt Nam trong năm 2020?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải: Bóng đá Việt Nam năm 2020 đã diễn ra trong điều kiện hết sức đặc biệt và đối diện nhiều khó khăn khi các giải trong nước, quốc tế phải tạm dừng hoặc bị hủy bỏ do ảnh hưởng của Covid-19. Trong giai đoạn khó khăn đó, chúng ta đã cùng nhau thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ, suy nghĩ và hành động thiết thực để cùng vượt qua thử thách, một mặt chung tay cùng cả nước trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, một mặt chủ động xây dựng phương án, các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Kết quả, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đời sống xã hội trở lại bình thường, đặc biệt với sự cho phép của Chính phủ và các ban ngành liên quan, các giải bóng đá trong nước đã được tổ chức trở lại trong sự hân hoan của đông đảo người hâm mộ; qua đó góp phần tôn vinh giá trị của những thành quả trong công tác phòng chống dịch ở nước ta, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan đến cộng đồng, xã hội về giai đoạn phát triển mới sau đại dịch.
Với quốc tế, bóng đá Việt Nam trong năm 2020 cũng để lại dấu ấn. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong thư gửi VFF đã đánh giá cao những hành động thiết thực, chung tay chống lại đại dịch Covid-19, thể hiện giá trị tốt đẹp của bóng đá, đó là đóng góp cho đất nước, cộng đồng với tinh thần đoàn kết và chia sẻ. Bên cạnh đó, hình ảnh các khán đài đầy ắp khán giả cũng khiến bạn bè quốc tế thán phục…
Một lần nữa, thay mặt BCH VFF, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các tổ chức thành viên, các CLB, các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong cả nước, các cơ quan báo chí cùng người hâm mộ đã phối hợp với VFF vượt qua khó khăn, với sự chủ động trong hành động, sáng tạo trong suy nghĩ và tinh thần trách nhiệm trong mỗi quyết định, cố gắng đảm bảo một cách tốt nhất trong điều kiện có thể đối với các hoạt động của bóng đá Việt Nam.
Nhìn vào lịch thi đấu, có thể thấy 2021 là năm bận rộn với bóng đá Việt Nam, đặc biệt là các ĐTQG sẽ tham dự rất nhiều giải cùng những trọng trách không hề nhẹ. Xin Chủ tịch cho biết, VFF và các HLV trưởng ĐTQG đã có kế hoạch chi tiết cho các đội tuyển chưa?
Như chúng ta đã biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các giải quốc tế trong năm 2020 đều bị hoãn, hủy hoặc dời sang tổ chức vào năm 2021.
Như vậy, song song với việc đảm bảo tổ chức các giải thuộc hệ thống thi đấu thường niên, năm 2021, các đội tuyển sẽ phải tham dự thêm một số giải quan trọng của năm 2020, trong đó có AFF Suzuki Cup và các trận thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022. Số lượng giải đấu tăng lên trong khi quỹ thời gian không đổi đã đặt ra những bài toán cần phải sớm có lời giải. Đây là khó khăn không chỉ đối với bóng đá Việt Nam, mà còn đối với cả FIFA, AFC và các quốc gia khác.
Nhờ lợi thế từ những bài học kinh nghiệm của năm 2020, nhờ chủ động trong các giải pháp của cơ quan quản lý, điều hành bóng đá, sự chung tay, đồng thuận từ các CLB và thuận lợi đến từ công tác phòng chống dịch rất thành công của nhà nước, chúng ta đã lần lượt tổ chức trọn vẹn các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, điều này có ý nghĩa rất quan trọng về chuyên môn. Tôi cho rằng, sự chủ động trong các giải pháp sẽ tiếp tục là chìa khóa để mở ra thành công cho bóng đá Việt Nam trong năm 2021.
Thời gian qua, bên cạnh việc bám sát, cập nhật thông tin về kế hoạch tổ chức các giải đấu của FIFA, AFC và AFF, Thường trực BCH VFF đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên trao đổi công việc với BHL các ĐTQG, tham vấn ý kiến của Hội đồng HLV Quốc gia để xây dựng chương trình hoạt động cho năm 2021. VFF cũng phối hợp chặt chẽ với Công ty VPF để tổ chức, sắp xếp lịch thi đấu các giải chuyên nghiệp phù hợp với quỹ thời gian của năm 2021, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các đội tuyển thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng điểm.
Để tham dự nhiều đấu trường, lực lượng cho các đội tuyển rất quan trọng, VFF tính toán ra sao về vấn đề này?
Về tầm nhìn, trong nhiều năm qua, VFF luôn bám sát định hướng đầu tư dài hạn cho bóng đá trẻ song song với cải thiện chất lượng chuyên môn các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Điều này đã giúp các đội tuyển có được lực lượng kế cận dồi dào. Bên cạnh đó, VFF cũng luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu để các đội tuyển trẻ U16, U17, U19, U20 liên tục góp mặt tại VCK châu Á, phấn đấu có mặt tại VCK FIFA World Cup. Đó là tiền đề để tạo sự chuyển biến cả về chất và lượng cho ĐTQG trong tương lai. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bài học thực tiễn cho thấy đa số cầu thủ trẻ đang là trụ cột của các đội tuyển đều có sự trưởng thành đột phá sau khi tham dự VCK FIFA U20 World Cup 2017.
Đối với sự chuẩn bị cho các mục tiêu trước mắt, VFF cũng tính toán kỹ với nhiều giải pháp, các ĐTQG dù không làm nhiệm vụ quốc tế trong năm 2020 nhưng vẫn có những đợt tập trung để HLV trưởng rà soát nhân sự. Cụ thể U22 Việt Nam được tạo điều kiện với 4 đợt tập trung (từ tháng 7 đến tháng 12) nhằm rà soát, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2021 và SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Tương tự, ĐTQG cũng có đợt tập trung vào đầu tháng 12 để kiểm tra, đánh giá đội hình, tạo bước chuẩn bị cho 2 nhiệm vụ trọng điểm sẽ diễn ra trong năm 2021, gồm vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020. ĐT nữ QG, U19 nam QG đều có kế hoạch tập trung vào cuối tháng 12.
Phấn đấu đạt thành tích cao nhất tại các đấu trường quốc tế, liệu bóng đá Việt Nam có đủ sức không thưa Chủ tịch? Hay chúng ta sẽ tập trung vào một số giải trọng tâm?
Bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm tại Việt Nam, người hâm mộ luôn đặt nhiều kỳ vọng và mong đội tuyển sẽ đạt được thành tích cao nhất tại các đấu trường. Tôi nghĩ đó cũng là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Chúng ta luôn cần phải đặt ra các mục tiêu để tạo động lực phấn đấu. Không chỉ với bóng đá, mà ở các lĩnh vực khác cũng như vậy. Về phía VFF, trách nhiệm của chúng tôi là cố gắng để đảm bảo các đội tuyển có điều kiện tốt nhất trong quá trình chuẩn bị và thi đấu, còn kết quả thắng thua khó nói trước bởi phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố may mắn nữa.
Mục tiêu càng cao thì áp lực càng lớn, do vậy VFF hy vọng các đội tuyển sẽ nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, cổ vũ và đồng hành của người hâm mộ, của truyền thông để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2021. Đó là phấn đấu giành quyền đi tiếp tại vòng loại World Cup 2022, lọt vào VCK U23 châu Á 2022, bảo vệ ngôi vô địch AFF Suzuki Cup và bảo vệ HCV bóng đá nam, nữ tại SEA Games 31…
Mục tiêu của bóng đá Việt Nam là tham dự World Cup 2026. Hiện tại, ĐT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022. Chúng ta cần làm gì để có thể thực hiện được dự án này, thưa Chủ tịch?
Như tôi đã nói ở trên, để nâng cao trình độ, các đội tuyển cần phải thường xuyên góp mặt tại các giải đấu cao nhất tương ứng với các độ tuổi. Bóng đá Việt Nam ở sân chơi 11 người đến nay mới chỉ một lần lọt vào VCK thế giới, đó là FIFA U20 World Cup 2017. Dù không vượt qua vòng bảng, nhưng việc được thi đấu với các đối thủ đẳng cấp thế giới đã giúp các cầu thủ của chúng ta có sự tích lũy rất lớn về kinh nghiệm và trưởng thành rất nhanh. Đó cũng là một trong những tiền đề giúp bóng đá Việt Nam gặt hái thành công liên tiếp sau đó, tạo ra nguồn cảm hứng rất lớn đối với đời sống bóng đá trong nước, đặc biệt là sau kỳ tích lọt vào chung kết U23 châu Á 2018 dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo.
Tại vòng loại World Cup 2022, ĐT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lọt vào vòng loại cuối. Có thể ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam chưa đạt tới đẳng cấp World Cup, nhưng chúng ta vẫn cần phải tận dụng tối đa các cơ hội. Bởi khi lọt vào đến vòng loại cuối, ĐT Việt Nam sẽ được thi đấu với những đội tuyển hàng đầu của bóng đá châu lục, điều mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội. Hơn nữa, thi đấu tại giải chính thức hoàn toàn khác biệt so với giao hữu, nó sẽ giúp các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm quốc tế, có sự tiếp cận nhanh hơn với trình độ chơi bóng đỉnh cao, qua đó cải thiện tốt hơn về kỹ năng cũng như tâm lý.
Việc World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội sẽ tạo cơ hội thúc đẩy nhanh hơn quá trình thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa bóng đá châu Á và bóng đá châu Âu cũng như Nam Mỹ. Bên cạnh đó, cơ hội dự World Cup sẽ mở ra cho các quốc gia Đông Nam Á, giúp vòng loại các khu vực trở nên hấp dẫn hơn và các quốc gia cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Tất nhiên, bóng đá Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài cuộc chơi. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội này để đầu tư và vận động các nguồn lực nhằm giúp đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất. Tuy nhiên, như tôi đã nhiều lần chia sẻ, ĐTQG chỉ có cơ hội dự World Cup nếu các đội tuyển trẻ thường xuyên tham gia và thi đấu tốt ở đấu trường châu lục. Muốn vậy, điều cần làm là phải đảm bảo nền tảng cho thật vững, đó là phát triển bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng cho các giải chuyên nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ chính của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đối với bóng đá Việt Nam, VCK World Cup vẫn là con đường dài phía trước, nhưng luôn phải có mục tiêu để phấn đấu!
Xin cảm ơn Chủ tịch và chúc bóng đá Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao!
Bình Luận